Đầu tư khoa học nông nghiệp bắt đầu từ công nghệ cao
Để phát triển theo chiều sâu, nông nghiệp Việt Nam phải dựa trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp... Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ làm tăng tỷ lệ đóng góp của khoa học nông nghiệp vào sản xuất.
Đó là chia sẻ của GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khi đánh giá về vai trò của tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Hiệu quả đầu tư cao
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015: thành tựu KHCN đóng góp 40% tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020.
GS.TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh, thước đo chính về tiềm lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của một quốc gia là tổng chi cho KHCN và tổng số các bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ.
Cụ thể, Hoa Kỳ là nước chi nhiều tiền nhất cho R&D, ở mức 2,8% GDP (450- 465 tỷ USD gấp 3 lần GDP của Việt Nam), với số bằng sáng chế PCT (Patent Cooperation Treaty) thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO) là 57.239 trên tổng số 205.300 bằng trong năm 2013.
Trung Quốc đã chi 258 tỷ USD (2013) và 284 tỷ USD (2014) cho R&D, đứng thứ nhì. Số bằng sáng chế của Trung Quốc đứng thứ Ba, với 21.516 bằng trong năm 2013, sau Mỹ và Nhật Bản.
Israel là một quốc gia nhỏ trên sa mạc cằn cỗi, đã chi 4,3% GDP cho R&D. Năm 2014, họ có 1.611 bằng sáng chế PCT. Nông nghiệp CNC của họ là mẫu mực cho chúng ta học tập và nghiên cứu.
GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết, Việt Nam có khoảng 700 đơn vị R&D cấp trung ương (thuộc các bộ) và hơn 1.000 đơn vị R&D cấp địa phương hoặc doanh nghiệp. Số đơn vị R&D cấp trung ương như vậy là nhiều. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có các hoạt động và chi phí R&D.
Năm 2013, Việt Nam có 17 bằng PCT là con số thấp so với 700 đơn vị nêu trên. Quốc hội cho phép sử dụng 2% GDP để đầu tư cho KHCN (2% x 180 tỷ USD), có nghĩa là theo lý thuyết phải có 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa có năm nào đạt được con số này.
Khoa học nông nghiệp Việt Nam được đầu tư mỗi năm khoảng 600 tỷ đồng, 50% chi lương và 50% chi cho hoạt động R&D (khoảng 300 tỷ VND/năm, tương đương 15 triệu USD/ năm) thấp hơn Philippines gấp 7 lần, Thái Lan gấp 10 lần và Hàn Quốc gấp 600 lần. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đã gây sự ngạc nhiên về năng suất, sản lượng đứng cao nhất của lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, cà phê robusta, ….
GS.TS Bùi Chí Bửu chia sẻ: "Có một vài phê phán về thành tựu của KHNN Việt Nam cho rằng chúng ta đã tiêu tiền nhiều và không hiệu quả. Nhiều công trình khoa học "đút ngăn kéo". Song nếu xem xét lại một cách công bằng, đầu tư của chúng ta quá thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư cho khoa học của Việt Nam lớn gấp nhiều lần so với các nước trong khối ASEAN", vị GS khẳng định.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, để phát triển theo chiều sâu đối nền nông nghiệp Việt Nam phải dựa trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chọn tạo giống, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh thái... nhằm hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao, với nông sản làm ra có sự cạnh tranh tốt cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
"Hiện nay, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Trong đó, ứng dụng CNC trong nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Khoa học nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng của ngành còn thấp (30%). Vốn ODA trong nông nghiệp còn rất khiêm tốn, phản ánh yếu kém trong đầu tư nông nghiệp CNC. Đóng góp này chỉ tăng khi nông nghiệp CNC phát triển"- GS.TS Bùi Chí Bửu nêu rõ.
Sự kiện Tập đoàn Việt - Úc khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao ở Bạc Liêu (năm 2015) đánh dấu một bước tiến mới trong thủy sản Việt Nam. Khu phức hợp có tổng diện tích 315 ha, trong đó trên 90% để nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng; khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho hơn 2.000 người. Mô hình này sẽ cho năng suất rất cao, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm rủi ro, tác động đến môi trường, hướng phát triển bền vững.
Đồng thời, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, chúng ta cần đưa công nghệ thông tin vào ngành rau quả. "Ví dụ nông trại RASA (Mộc Châu) có gắn mã số riêng giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm quản lý lưu trữ đầy đủ thông tin về từng loại rau, với trên 40 loại rau, củ, quả. Đây là cách tiếp cận mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế ở Châu Âu và Nhật Bản – những thị trường khó tính, nhưng số lượng nhập khẩu rất lớn. Chúng ta suy nghĩ có thể áp dụng trong xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu ở Đồng Tháp, vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang, hoặc một số loài trái cây có thế mạnh khác để đưa sang những thị trường khó tính"- GS.TS Bùi Chí Bửu dẫn chứng.
Ngoài ra, tranh thủ vốn ODA hoặc xây dựng các dự án liên doanh với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản sẽ giúp tập hợp các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các dự án liên doanh là nội dung có tính quyết định đến sự phát triển nông nghiệp CNC của chúng ta hiện nay.