Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Cho tam nông bền vững
Đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thị trường.
Đi trước, đón đầu
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng thì chỉ đạo của Thủ tướng mở ra một cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất cho cả người vay và người cho vay. Vì thế, sau khi chỉ đạo được phát đi, các ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu tuyên bố những gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao.
Riêng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao được coi là chủ trương lớn và đưa vào triển khai từ trước đó. Điều này đưa Agribank trở thành ngân hàng chiếm lĩnh thị phần nông nghiệp, nông thôn lớn nhất, với tổng dư nợ đầu tư chiếm tới 70%/tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 51% thị phần dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho tam nông.
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trở thành bài toán sống còn cho chính Ngân hàng cũng như nền nông nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ khí hậu, môi trường và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Do đó, khi TƯMTTQ, Bộ NN - PTNT và Đài THVN khởi động Chương trình “Nông nghiệp sạch - Cho người Việt Nam, cho thế giới”, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng bằng vốn huy động thương mại, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/11/2016. Chương trình hướng đến khách hàng là doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, Agribank còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống và giảm 50% theo mức phí quy định của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Ngoài ra, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La), hoa quả, rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Thông đường cho gói 50 nghìn tỷ đồngAgribank đang triển khai 7 chính sách tín dụng và 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Agribank đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng đầu tư nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy thị trường hàng hóa nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời, bước đầu hình thành một số mô hình chuỗi liên kết giá trị 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) - tiền đề thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực có chi phí hoạt động cao, lãi suất cho vay thấp theo chính sách ưu đãi đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực tài chính, khả năng tăng vốn tự có của ngân hàng. Ngoài ra, nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác thấp, các hình thức liên kết chưa phát triển, chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản có khả năng cạnh tranh cao, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch chậm nên tín dụng ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất quá chậm cũng làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn vay do thiếu tài sản bảo đảm.
Nên chăng, Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa đối với cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh và biến đổi khí hậu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để bảo đảm tính pháp lý đối với tài sản, tăng mức vay khi thế chấp ngân hàng.
Mặt khác, xác định tiêu chí đối với nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để thông đường cho gói tín dụng nông nghiệp sạch 50 nghìn tỷ đồng. Cả nước hiện có 25 doanh nghiệp được Bộ NN - PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và dư nợ của các doanh nghiệp này mới đạt 3.700 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm xây dựng chính sách tín dụng theo ngành, có cơ chế công bố và cảnh báo định kỳ để Agribank và các ngân hàng khác phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, có cơ chế chính sách tín dụng đặc thù đối với khách hàng, ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực thường xuyên phải chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...