Kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp sạch không khó...

Theo daibieunhandan.vn

Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch hướng tới nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tại “Tọa đàm Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng qua, các đại biểu chỉ rõ nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

7 vướng mắc từ thực tiễn

Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN - PTNT cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Trung ương và địa phương, sự tham gia hưởng ứng tích cực của nông dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện những bất cập từ thực tiễn đang gây ra nhiều cản trở. Tại Tọa đàm, ông Phạm Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN - PTNT đã chỉ rõ 7 thách thức lớn.

Thứ nhất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng. Mặt khác, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 129, Luật Đất đai đã hạn chế việc tích tụ ruộng đất.

Thứ hai, quy mô và cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Trong khi tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với tổ chức sản xuất theo quy mô tập trung và thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ và phải coi doanh nghiệp là động lực, trung tâm và các hợp tác xã là cầu nối giữa người dân, người sản xuất với các doanh nghiệp.

Thứ ba là chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa thông thoáng và chưa thực sự hấp dẫn, chưa bảo đảm để doanh nghiệp Việt Nam an tâm đầu tư vào nông nghiệp.Trong đó có Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư là khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, việc nghiên cứu áp dụng để thế chấp tài sản trên đất còn hạn chế.

Thứ năm là chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đây là rào cản, vướng mắc khiến người dân, doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp sạch.

Thứ sáu là rào cản thay đổi tư duy nhận thức. Nhiều hộ nông dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Cuối cùng là hệ thống quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, lâm sản, thủy sản đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Chính sách minh bạch, cởi mở

 

Một trong những giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch là thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là vấn đề khó khăn không chỉ từ cơ quan quản lý mà ngay doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc.

Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH cho rằng, khó khăn nhất hiện nay chính là từ “lòng tham”. Làm thế nào để người sản xuất nhận thức được giới hạn cho phép bảo đảm nông nghiệp sạch cũng như sức khỏe của con người. Thứ hai, môi trường sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc lạm dụng thuốc BVTV. Để sản xuất một sản phẩm hữu cơ thì đòi hỏi từ đất đai, giống đều phải sạch. Thứ ba, ở trong một môi trường cạnh tranh, để sản xuất ra một sản phẩm sạch thì chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với sản phẩm khác.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Đoàn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Biển Bạc, đã chỉ ra khó khăn chính là yếu tố con người. “Trong quá trình đầu tư dự án chúng tôi vấp phải khó khăn lớn là lực lượng nhân viên trình độ cao. Vấn đề tiếp theo là ứng dụng khoa học công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp chưa được chú ý; trình độ khoa học kỹ thuật còn chưa tiệm cận được với thị trường; đồng thời thiếu sự hỗ trợ của hệ thống tài chính ngân hàng…”.

Ông Việt cho rằng, việc kêu gọi đầu tư vào tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sạch không khó nhưng cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đặc biệt là bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, công bằng và thực sự cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư lĩnh vực này vì tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng giải quyết việc làm cho nhiều người…

Còn theo ông Phạm Mạnh Cường, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 210 và các chính sách có liên quan theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đổi mới các chính sách về tín dụng. Cuối cùng, cần đẩy mạnh lồng ghép, điều phối mạnh mẽ hơn nữa các chương trình, chủ trương chính sách, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia để huy động được nguồn lực lớn hơn cho phát triển nông nghiệp.