Tỉnh Hậu Giang:
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
Dự thảo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn; kết nối thuận lợi giữa Hậu Giang với các địa phương lân cận; kết nối trực tiếp các khu công nghiệp tập trung; đảm bảo phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ logictics. Phát triển đồng bộ giữa hai phương thức vận tải giao thông đường bộ và giao thông đường thủy.
Đến năm 2030 phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với mạng lưới đường cao tốc, đường quốc lộ. Đảm bảo nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh về phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ logictics, hỗ trợ tốt cho phát triển du lịch, nông nghiệp của tỉnh. Hoàn thành ít nhất 50% các tuyến đường tỉnh được nâng cấp đạt quy mô theo quy hoạch (mặt đường rộng tối thiểu 8m). Tất cả các cầu trên tuyến đường tỉnh xe 13 tấn lưu thông dễ dàng. Các tuyến đường thủy nội địa chính phục vụ tốt cho việc vận tải hàng hóa. Hệ thống đường huyện từng bước được đầu tư nâng cấp để tạo thuận lợi cho Nhân dân giao thương. Hệ thống giao thông nông thôn từng bước phát triển theo kế hoạch.
Tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải về định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 24/8. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị căn cứ quy hoạch phát triển mạng lưới quy hoạch giao thông Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải cập nhật gắn kết với quy hoạch giao thông của tỉnh; đồng thời cập nhật thêm các quy hoạch khác có liên quan của tỉnh và của vùng.
Sở Giao thông Vận tải cần đánh giá, phân tích rõ hơn về sự phát triển giao thông đường thủy, đường bộ trong thời gian qua, nêu rõ thực trạng, hạn chế cũng như lợi thế kết nối với sân bay Cần Thơ để phát triển các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần làm rõ định hướng phát triển hạ tầng giao thông từng lĩnh vực đường bộ, đường thủy, phát triển logictics, cũng như xác định rõ nguồn lực đầu tư…
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 6 tuyến quốc lộ đi qua, 14 tuyến đường tỉnh, 44 tuyến đường huyện. Về đường thủy, có 6 tuyến sông do Trung ương quản lý với tổng chiều 105km; 11 tuyến sông do tỉnh quản lý với chiều dài 233km, 33 tuyến kênh do huyện quản lý với chiều dài 352km. Ngoài ra, có 1 cảng biển, 2 cảng hàng hóa và 471 bến thủy.