Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Trong số 36 dự án thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 mà Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, có đến 9 dự án ở lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics.
Đầu tư nguồn vốn lớn
Năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị gần 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình.
Đặc biệt, mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 1.203 tỷ đồng xây dựng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; 274 tỷ đồng triển khai xây dựng cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu bắc qua sông Yên; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, đoạn qua địa bàn TP. Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng (vốn ngân sách của TP. Đà Nẵng khoảng 358 tỷ đồng)…
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, năm 2022, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông trọng điểm, động lực. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông động lực, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 phù hợp quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; đường vành đai phía tây và vành đai phía tây 2; cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; đường ĐH2....
Bên cạnh đó, ngành giao thông tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên tại khu vực trung tâm thành phố; triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, thành phố đã và đang tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư triển khai các dự án: Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (phấn đấu khởi công dự án trong tháng 9/2022); di dời đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố (giai đoạn 1); nâng cấp nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan; đề xuất các bộ, ngành chức năng Trung ương ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14G, 14D...
Cũng trong năm 2022, đối với 13 dự án, công trình có tính chuyển tiếp từ các năm trước, Đà Nẵng dự kiến bổ sung nguồn vốn lên khoảng 455 tỷ đồng như: tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung Bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn An Ninh); tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh...
Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng là địa phương nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Thời gian qua địa phương đã có nhiều kế hoạch thúc đẩy hạ tầng giao thông quy mô đem lại những diễn biến rõ nét, các công trình lớn đáp ứng nhu cầu giao thông.
Kêu gọi 9 dự án giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa công bố danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có 9 dự án hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.
Cụ thể, Đà Nẵng thu hút đầu tư 2 bến khởi động cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) trong giai đoạn 2022 - 2025. Hai bến khởi động này của cảng Liên Chiểu gồm 1 bến container và 1 bến hàng tổng hợp. Diện tích phần kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động là 45ha; chiều dài bến 750m; có khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng đến 100.000DWT và lớn hơn, tàu container từ 6.000 - 8.000 TEUS, tàu dầu đến 30.000DWT.
Tiếp theo, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm Logistics cảng Liên Chiểu (phân kỳ đầu tư 2025 - 2030) với mục tiêu hình thành trung tâm logistics cảng biển cấp vùng, hạng 1, quy mô đến năm 2030 là 35ha (đất chưa giải phóng mặt bằng), nhà đầu tư đề xuất phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Dự án Trung tâm Logistics Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng có quy mô đến năm 2030 là 4 ha (đất chưa giải phóng mặt bằng), nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư 2025 - 2030 phù hợp theo từng giai đoạn phát triển.
Dự án Trung tâm Logistics ga hàng hóa Kim Liên (tại Ga đường sắt mới Kim Liên, gần KCN Hòa Khánh), đến năm 2030 có quy mô 5 ha (đất chưa giải phóng mặt bằng), nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư 2025 - 2030 phù hợp theo từng giai đoạn phát triển.
Chưa hết, TP. Đà Nẵng còn kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng (phân kỳ đầu tư 2022 - 2025). Đây là trung tâm phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường sắt; quy mô đến năm 2030 là 3ha (đất đã giải phóng mặt bằng, thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng); dự án Trung tâm Logistics Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) là tổng kho và trung chuyển hàng hóa các loại để khai thác lợi thế cảng biển. Dự kiến diện tích khoảng 20 - 25ha (đất nông nghiêp, đất ở nông thôn), phân kỳ đầu tư 2023 - 2030.
Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi đầu tư dự án khu phụ trợ phát triển ngành bán buôn Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Diện tích dự án từ 50 - 55ha (đất nông nghiệp, đất ở nông thôn), phân kỳ đầu tư 2026 – 2030; dự án Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là khu vực phát triển logistics, thương mại điện tử, hỗ trợ chuyển đổi số. Diện tích khu đất là 56ha (đã phê duyệt quy hoạch, chưa giải tỏa đền bù) nằm cạnh Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Tất cả các dự án trên có hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư, quy mô vốn do nhà đầu tư đề xuất.