86.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Chuyển từ BOT sang O&M
Theo Bộ trưởng Thể, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Riêng nguồn vốn bố trí để đầu tư cho đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư đường cao tốc trên phạm vi cả nước.
Trong giai đoạn tiếp theo (2026-2030) theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục tăng.
"Trong khi trong nhiệm kỳ 2016-2020, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng này chưa đến 33.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Trong nhiệm kỳ trước đó (2011-2015), kế hoạch vốn trung ương đầu tư hạ tầng giao thông vùng này cũng chỉ hơn 43.500 tỷ đồng, chiếm 17% so với cả nước. Như vậy, giai đoạn 2021-2030 là thời kỳ mà khu vực ĐBSCL được trung ương tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông với nguồn vốn đầu tư tăng cao nhất từ trước đến nay", Bộ trưởng Thể phân tích.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, hạ tầng giao thông chính là "điểm nghẽn" lớn nhất của vùng ĐBSCL. Hiện nay vùng này chỉ mới có 90km cao tốc và 30km đang xây dựng. Về đường hàng không: có 4 cảng hàng không nhưng năng lực khai thác còn rất yếu. Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hiện nay chỉ mới đáp ứng cho tàu 10.000 tấn vơi tải ra vào. Đường thủy nội địa tuy là thế mạnh của vùng nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Do vậy, để tháo "điểm nghẽn" cho vùng này thì nguồn vốn từ ngân sách vẫn chưa đủ mà cần phải huy động thêm nguồn xã hội hóa, vốn viện trợ, vốn vay từ các tổ chức quốc tế.
Để có thể huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách phát triển hạ tầng giao thông cho vùng, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ xây dựng thể chế chuyển từ hình thức BOT (đầu tư - vận hành - chuyển giao) sang hình thức O&M (nhà nước đầu tư xong thì nhượng quyền vận hành khai thác cho khối tư nhân). Trước mắt, Bộ đề xuất đầu tư theo hình thức O&M đối với 3 dự án cao tốc mà Quốc hội vừa thông qua (cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).
Bên cạnh đó Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý trên địa bàn để phát huy tinh thần chủ động, huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
"Trong khi nguồn lực về con người từ Bộ còn hạn chế thì hệ thống chính trị các địa phương có đầy đủ các phòng ban chuyên môn nên việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền, chuyên môn của mình là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng Thể đề xuất.
Những dự án giao thông nào sắp được triển khai?
Theo Bộ trưởng Thể, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ triển khai 11 dự án lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư dự kiến trên 100.000 tỷ đồng, gồm 2 dự án quan trọng quốc gia, 3 dự án nhóm A, 6 dự án nhóm B.
Cụ thể, 2 dự án quan trọng quốc gia là Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài 109km, dự kiến khởi công vào cuối năm 2022; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, có chiều dài hơn 188km (tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng), dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành vào năm 2026.
3 dự án nhóm A, gồm: Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tổng mức đầu tư gần 5.886 tỷ đồng; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư 4.770 tỷ đồng, cả 3 dự án này dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023.
6 dự án nhóm B, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62, đoạn qua tỉnh Long An; Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si; Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui; Dự án đầu tư bổ sung một số hạng mục và thảm mặt đường, tổ chức lại giao thông tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Dự án Chơn Thành - Đức Hòa đang trong giai đoạn thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Về lĩnh vực giao thông đường thủy, có 2 dự án sắp được đầu tư, đó là: Dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam (dự án nhóm A) sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới và ngân sách; Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ bắt qua các tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (dự án nhóm B). Ngoài ra các địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư, cải tạo nâng cấp 13 cụm cảng với tổng mức đầu tư khoảng 34.000 tỷ đồng.
Về dự án lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đang lập thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường kết nối khu bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư các bến cảng Trần Đề với tổng mức đầu tư 30.800 tỷ đồng.
Về đường hàng không, Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư 4.500 tỷ đồng để mở rộng cảng hàng không Phú Quốc; cải tạo khu sân bay cảng hàng không Cà Mau; đầu tư nhà ga hàng hóa cảng hàng không Cần Thơ.
Về đường sắt, Bộ GTVT đang nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP. Hồ Chí Minh -Cần Thơ.