Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có an toàn?

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng thương mại trong nước và cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dễ xảy ra những rủi ro. Mặc dù có thể kiểm soát được dòng vốn từ các doanh nghiệp này, nhưng khi thị trường bất động sản “vỡ” thì cũng khó có thể trở tay kịp thời.

Chọn trái phiếu thời hạn ngắn của các doanh nghiệp bất động sản đang có uy tín, làm ăn có lãi trên thị trường. Nguồn: Internet.
Chọn trái phiếu thời hạn ngắn của các doanh nghiệp bất động sản đang có uy tín, làm ăn có lãi trên thị trường. Nguồn: Internet.

Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản.

“Ồ ạt” đầu tư trái phiếu bất động sản

Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng lần lượt là 29,5% và 30,1% trong các năm 2017 và 2018.

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, có 89.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong danh sách này có tên hầu như tất cả các doanh nghiệp bất động sản lớn thuộc Vingroup, Khang Điền, Đất Xanh, Novaland, Phát Đạt.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành gần 20.000 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngành có lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm. Thậm chí, một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với mức lãi suất trên 14,5%/năm.

Chị Thu Hằng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây cho biết một nhân viên ngân hàng khi làm đáo hạn sổ tiết kiệm trị giá 2 tỷ đồng cho chị đã chào mời mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản với mức lãi suất 10,5%/năm với kỳ hạn 3 năm.

Nhân viên ngân hàng thuyết phục chị rằng với mức lãi suất này, mỗi năm với 2 tỷ đồng sẽ được nhận hơn 200 triệu đồng tiền lãi. Còn lãi suất ngân hàng từ 6,99-7,99%/năm thì mỗi năm chỉ nhận được hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Thấy đây cũng là một kênh đầu tư sinh lời cao, nên chị đã quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản này.

Giám đốc một bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Techcombank cho biết nhiều tổ chức ngân hàng và cá nhân hiện nay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vì đây là một kênh đầu tư sinh lời, so với lãi suất ngân hàng rõ ràng lãi suất trái phiếu cao hơn.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của vị giám đốc này, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro cho cả tổ chức ngân hàng và cá nhân khách hàng.

Trước đó, NHNN đã có công văn gửi tới các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu để huy động vốn
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu để huy động vốn
 

Rủi ro cao

Tại công văn, NHNN cho biết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng thương mại trong nước đang tiềm ẩn rủi ro khi các ngân hàng này có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.

Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa hồi phục vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Bình luận xung quanh vấn đề này, theo Giám đốc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Techcombank, về nguyên tắc cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản rủi ro cao, vì doanh nghiệp bất động sản vay không có tài sản bảo đảm, khách hàng không quản lý dòng tiền thu được từ dự án bất động sản.

Đối với các tổ chức ngân hàng đầu tư vào trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản vay có tài sản bảo đảm, tài sản đó là dự án, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền xem có sử dụng đúng mục đích không, thậm chí còn quản lý được dòng tiền thu được từ dự án.

Nhấn mạnh về nguyên nhân NHNN ban hành công văn, vị giám đốc này cho biết do các ngân hàng thương mại mặc dù giữ tài sản bảo đảm nhưng luôn định giá vốn. Ngân hàng thương mại kiểm soát dòng tiền đầu tư trái phiếu thì hời hợt để doanh nghiệp mang tiền đi làm việc khác, không đưa vào dự án, vẽ dự án ma để bán trái phiếu. Chính vì vậy, NHNN đã cảnh báo vì đầu tư cho vay bất động sản quá cao, quá rủi ro.

“Tuy nhiên, xu hướng cá nhân hiện nay vẫn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vì họ chọn trái phiếu thời hạn ngắn của các doanh nghiệp bất động sản đang có uy tín, làm ăn có lãi trên thị trường. Quan điểm của họ cho rằng chưa thể sập ngay được trong vòng vài năm. Còn các trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khác mới, chưa có uy tín thì không nên mua”, vị giám đốc này nói.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, việc NHNN ban hành công văn cảnh báo là cần thiết. Trên thực tế, trong vấn đề này có đảm bảo tài sản từ ngân hàng, nợ của doanh nghiệp trở thành trái phiếu, khi doanh nghiệp bất động sản phá sản thì ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng và nợ xấu tăng lên.

Mặc dù trong chính sách nợ có phần biến nợ thành trái phiếu, thành cổ phần, nhưng không phải khuyến khích tất cả, nên Nhà nước phải có động thái kiểm soát.

Đối với cá nhân, ông Phong cho rằng đầu tư vào trái phiếu phụ thuộc vào uy tín của doanh nghiệp phát hành. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì khách hàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn trồi sụt, nóng lạnh bất ngờ, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản trả lãi rất cao, nếu không thu hồi được vốn, trả lãi cao thì doanh nghiệp mất thanh khoản. Như vậy, cá nhân đầu tư vào trái phiếu mà doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm sẽ rủi ro rất lớn.