Đầu tư trực tiếp nước ngoài và những câu chuyện đầu Xuân

TS. PHAN HỮU THẮNG

(Tài chính) Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí cả những sự cố ngoài mong đợi, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn về đích sớm so với các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2014. Điều này thêm một lần nữa đã khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng sự ổn định, thông thoáng…

Bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014

Kể từ khi Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực năm 1988 đến nay, dòng vốn FDI luôn là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Năm 2014, mặc dù bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng khu vực kinh tế có vốn FDI tại Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được kết quả khả quan; Việt Nam vẫn là điểm thu hút vốn đầu tư hấp dẫn… Điều này được thể hiện trên một số mặt cụ thể sau:

Chuyển biến tích cực của nguồn vốn FDI

Vốn FDI thực hiện tính đến 15/12/2014 đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn (cải cách thể chế kinh tế còn chậm; thủ tục hành chính còn làm mất nhiều thời gian; hệ thống ngân hàng trong 2014 còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiếp cận vốn của DN, làm giảm khả năng hợp tác, cạnh tranh của các DN trong nước; cơ sở hạ tầng nhìn chung còn yếu kém chưa đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN…), con số trên cho thấy, vốn FDI thực hiện trong 2014 là một điểm sáng. Như vậy, đóng góp về vốn của FDI 2014 tới kinh tế Việt Nam là không nhỏ và FDI trong hơn 26 năm qua đã chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 45% giá trị sản xuất; 65% giá trị xuất khẩu; 20% GDP (tăng từ 2% trong năm 1992); 20% thu ngân sách.

Xuất khẩu khu vực FDI tiếp tục tạo điểm sáng

Trong năm 2014, giá trị xuất khẩu khu vực FDI 12 tháng (kể cả dầu thô) đạt 101,59 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô 12 tháng đạt 94,41 tỷ USD, tăng 16,7% so cùng kỳ 2013. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu khu vực FDI luôn chiếm tỷ lệ trên 65%. Tỷ lệ này cũng luôn tăng từ mức trên 50% kể từ năm 2008 và từng bước trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu (năm 2013 chiếm tới 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhập khẩu khu vực FDI 12 tháng đạt 76,6 tỷ USD, tăng 12,5% so cùng kỳ, chiếm 56,8% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 12 tháng năm 2014, khu vực FDI xuất siêu 17,03 tỷ USD cho thấy FDI đã có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu năm 2014, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và những câu chuyện đầu Xuân - Ảnh 1

Từ các con số trên cho thấy, FDI đã có tác động rất lớn tới tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng GDP, tăng thặng dư của tài khoản vốn, góp phần cải thiện cán cân thanh toán nói chung, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân.

Các DN Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn

Trong 12 tháng năm 2014, đã có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư cấp mới và vốn mở rộng các DN hiện có 7,32 tỷ USD, chiếm tới 36,2% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam, với các dự án lớn sau của Tập đoàn Samsung:

- Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex tại TP. Hồ Chí Minh, vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh, tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD.

Như vậy, từ năm 2012 trở lại đây, Hàn Quốc đã từng bước vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia dẫn đầu về vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.

Cải cách quan trọng của Luật Đầu tư sửa đổi

Mới đây, Luật Đầu tư 2014 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 thay thế Luật Đầu tư 2005, đã có những cải cách, cởi mở hơn, phạm vi điều chỉnh rõ ràng hơn. Việc ban hành danh mục cấm và danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chuyển từ chọn cho sang chọn bỏ, bãi bỏ các ngành nghề và điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng… sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư mới, các DN FDI hiện có tại Việt Nam thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư. Cải cách này có thể coi là điểm sáng trong bức tranh FDI năm 2014.

Sự cố ngoài mong đợi được giải quyết thỏa đáng và đầy tình người

Trong tháng 5/2014, một sự cố xảy ra bất ngờ, làm dấy lên các lo lắng chung của các nhà đầu tư về sự ổn định xã hội và môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, là việc một số DN có vốn FDI (đặc biệt ở khu vực phía Nam) bị đập phá bởi một số nhóm người dân tại địa phương do bị các kẻ xấu kích động, nhân việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng lãnh hải của Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương nơi xảy ra các vụ việc trên đã kịp thời vào cuộc, xử lý dứt điểm, chấm dứt ngay các hành động đập phá, giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của DN, lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, nhờ đó mà FDI năm 2014 tiếp tục phát triển trong nửa cuối 2014, đạt được kết quả khả quan.

Khắc phục tồn tại, nâng cao quyết tâm

Bên cạnh các đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam của FDI, không thể không đề cập tới các tồn tại của FDI trong nền kinh tế khi còn không ít các DN FDI vì thu lợi nhuận tối đa, tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư: Thực hiện các hành vi chuyển giá; trốn thuế; lách luật để khai thác tối đa sức lao động của công nhân; đưa máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu đã qua sử dụng vào Việt Nam làm tiêu hao nhiều năng lượng; nhiều DN vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ môi trường như xả thải trực tiếp ra các nguồn nước… Đồng thời, cũng còn khá nhiều các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai thậm chí có DN đầu tư dở dang còn bỏ trốn… để lại các hậu quả xấu nặng nề tại các địa bàn nơi đầu tư. Và vẫn còn đó việc buộc phải thu hồi các Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho các dự án lớn do không thực hiện các cam kết đầu tư (như 3 dự án điện gió tại Ninh Thuận…) và sự tự nguyện ra đi của các nhà đầu tư tiềm năng do nhiều các nguyên nhân khác nhau (như Tập đoàn Thép JFE Nhật Bản từ bỏ kế hoạch đầu tư vào dự án Nhá máy Thép Guang Lian tại Khu kinh tế Dung Quất) đang là những điểm rất tối trong bức tranh tổng thể về FDI 2014.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và những câu chuyện đầu Xuân - Ảnh 2

Các điểm yếu sau trong thu hút FDI cũng đang là nút thắt của dòng vốn này tại Việt Nam:

- Tăng cường năng lực công nghệ từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thông qua tiếp nhận FDI, nhưng hiện nay các ngành thu hút FDI công nghệ cao còn rất ít, trong khi các ngành có hàm lượng chất xám trắng, ít hiệu quả, sử dụng nhiều lao động… đang chiếm tỷ trọng lớn.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường… tuy đã nằm trong định hướng thu hút FDI nhiều năm qua, những kết quả và hướng đi còn chưa rõ. Đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là chủ đề nóng hiện nay, khi mới đây Bộ Công Thương công bố danh mục 144 linh, phụ kiện do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đặt hàng DN Việt Nam tham gia đăng ký sản xuất. Rất ít DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn thực hiện một phần đơn đặt hàng này. Mặc dù hiện Việt Nam có hằng trăm DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhưng số lượng DN đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm cho các DN FDI như: Samsung, Canon, Panasonic… lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Quyết tâm thu hút và quản lý hiệu quả FDI

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc ngày 11/12/2014 tại Busan, Hàn Quốc, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định sự coi trọng và đánh giá cao đóng góp của FDI đối với kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư kinh doanh thành công, bền vững lâu dài tại Việt Nam.

Để thực hiện các khẳng định của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, trong các năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo hết sức kịp thời, sát với thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút và quản lý hiệu quả FDI bằng việc ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý FDI. Chỉ xin nêu hai văn bản trong số nhiều các văn bản đó, như Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 và gần đây nhất là Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 được ban hành sau Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam vào tháng 3/2013 (tuy chưa được tổng kết chính thức các kết quả đã thực hiện) nhưng có thể nhận thấy khâu tổ chức thực hiện Chỉ thị 1617 đã không hoàn thành và đến nay là không kịp thời, không đúng thời hạn trong triển khai các đề án tại Nghị quyết 103 của các bộ, ngành, địa phương đã dẫn đến việc các tồn tại của FDI chậm được xử lý và tiếp tục tồn tại như đã nêu trên.

Làm gì trước cơ hội và thách thức mới

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức hoàn tất phần đàm phán vào chiều ngày 10/12/2014 tại Busan Hàn Quốc, và dự kiến sẽ được ký kết ngay trong đầu năm 2015. Bên cạnh VKFTA, các FTA Việt Nam - EU, FTA giữa Việt Nam và liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng được các bên khẳng định sẽ ký kết trong đầu năm 2015. Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuy không dễ thông qua trong 2014 nhưng các bên cũng bày tỏ quyết tâm kết thúc đàm phán trong 2015, và chỉ còn một năm nữa cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành… các sự kiện quan trọng này đã mở ra các cơ hội mới về đầu tư - kinh doanh cho Việt Nam, trong đó đối tượng hưởng lợi trước hết là cộng đồng các DN Việt Nam. Tuy vậy, các thách thức đối với cả nền kinh tế Việt Nam và các DN Việt Nam là không nhỏ khi Việt Nam là đối tác có thu nhập thấp hơn trong các Hiệp định này những sẽ gần như đồng thời phải thực hiện các cam kết của mình với các đối tác khác nhau theo các Hiệp định, với nguyên tắc cao nhất theo thông lệ quốc tế. Còn các DN Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ, chưa thực sự quan tâm đến các sự kiện quan trọng này. Đa số DN Việt Nam vẫn đang loay hoay chủ yếu tại thị trường trong nước, chưa có được sức cạnh tranh trong sân chơi quốc tế. Tình hình này nếu không được cải thiện sớm, thế mạnh trong đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu sẽ lại thuộc về các DN có vốn FDI và các DN ngoại (dẫn chứng là nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2014 như điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng gần như 100% thuộc về các DN FDI. Các mặt hàng không phải là công nghệ cao như dệt may, giày da, gỗ, cà phê có tỷ trọng xuất khẩu từ các DN FDI tương ứng là 59%; 77%; 51% và 40%). Vấn đề đặt ra là, bên cạnh việc cần khuyến khích sự phát triển của DN FDI tại Việt Nam, Việt Nam cũng cần sớm có các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, hội nhập của các DN nội địa, thiết lập được sự cân bằng giữa các thành phần kinh tế và sự tự chủ của nền kinh tế ngay trong thời gian ngắn sắp tới.