Đầu tư vào ngành đa cấp: Lấy tiền cược tiền!

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Công ty điều hành trang web có tên Secure Investment từng tự hào khẳng định họ giao dịch 4,8 tỷ USD mỗi ngày, phục vụ hơn 100.000 nhà đầu tư (NĐT) tại 140 quốc gia. Tuy nhiên gần đây, trang giao dịch ngoại hối theo mô hình đa cấp trên đã biến mất không vết tích, cuỗm theo gần 1 tỷ USD tiền từ các NĐT.

Kinh doanh tín dụng đa cấp dường như người tham gia được phát chiếc chìa khóa mà không có ổ khóa. Nguồn: internet
Kinh doanh tín dụng đa cấp dường như người tham gia được phát chiếc chìa khóa mà không có ổ khóa. Nguồn: internet

Theo thông cáo đăng trên Secure, công ty "có thể đổi thông tin tài khoản ngân hàng liên tục để chọn các đối tác có ưu đãi tốt nhất". Tuy nhiên, Secure Investment chưa bao giờ tiết lộ địa điểm thật và chỉ cung cấp cho khách hàng tên của các ngân hàng và công ty liên quan, cùng số điện thoại tổng đài tại Úc, Canada, Hong Kong, Mỹ và Anh.

Secure Investment lừa đảo các NĐT bằng cách tạo uy tín giả, đăng lịch sử của những giao dịch có vẻ như thành công trên một trang web được đầu tư kỹ càng. Công ty cũng khẳng định, họ có mạng lưới văn phòng và nhân viên hùng hậu. Nhưng thực chất tất cả đều là giả mạo, thậm chí khách hàng xuất hiện trong video đăng trên trang web đều là các diễn viên.

Trong tháng 3/2014, trang web của Secure Investment nổi tiếng hơn cả Forex.com - sàn giao dịch tiền tệ uy tín toàn thế giới, cũng là sàn giao dịch lớn thứ hai của Mỹ, theo xếp hạng của Alexa.com, trang theo dõi lượt truy cập của các website. Secure Investment xây dựng một trang web rối rắm có chủ đích, dẫn đường link đến hàng chục công ty con tại Belize, British Virgin Islands và Anh để hút và giấu tiền của khách hàng.

Qua email, Secure yêu cầu khách chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng của các công ty con này. Nhờ vậy, công ty có thể che giấu manh mối chuyển tiền để gây khó dễ cho việc điều tra.

Tương tự vụ việc nêu trên, hình thức mô hình kinh doanh kiểu chân rết của những công ty có thương hiệu đang làm mất rất nhiều tiền của NĐT. Trong 2 năm gần đây, Hebalife là một điển hình. Cổ phiếu của Herbalife đã giảm điểm mạnh sau một loạt thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh và những lùm xùm xung quanh mô hình kinh doanh của công ty này.

Cụ thể, với tư cách là một NĐT chủ động, Bill Ackman, CEO của Pershing Square Capital, đã tuyên bố  vào tháng 12/2012 rằng Công ty Herbalife đang vận hành theo giản đồ kim tự tháp nhắm vào việc kiếm lợi từ đối tượng là những người dân có thu nhập thấp giống như ông. Sau khi bị thua thiệt, ông Ackman tin rằng những nhà lãnh đạo, đặc biệt là Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ, sẽ đóng cửa công ty này để NĐT không bị thiệt thòi.

Thực tế, sau các tuyên bố của Ackman, các NĐT chủ động cũng đã quyết định tăng hỗ trợ cho Herbalife nhằm trấn an dư luận. Nhưng đến nay, câu chuyện về Herbalife vẫn nóng khi số tiền đầu tư của NĐT cứ dần biến mất.

Người thiệt hại lớn nhất chính là William “Bill” Stiritz, Chủ tịch HĐQT của Công ty thực phẩm Post Holdings (cũng là cổ đông lớn nhất của công ty chuyên về thực phẩm dinh dưỡng Herbalife). Theo Stiritz, tháng 9/2013 ông sở hữu 5.382.362 cổ phiếu của Herbalife, tương đương với 5,22% cổ phần. Khi đó, số cổ phần này trị giá vào khoảng 322 triệu USD nhờ mỗi cổ phiếu có giá 59,99 USD.

Đầu năm 2014, Stiritz liên tiếp mua thêm cổ phần khi cổ phiếu của Herbalife ở mức tương ứng là 67,20 USD và 62,82 USD. Thống kê gần đây nhất cho thấy ông nắm giữ 7.484.804 cổ phiếu, tương đương mức sở hữu 8,15% cổ phần của Herbalife.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu hiện nay của Herbalife đã giảm hơn một nửa so với thời điểm Stiritz mua vào, giữ ở mức 32,12 USD. Theo ước tính của Bloomberg, sau một loạt thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh và những lùm xùm xung quanh mô hình kinh doanh đa cấp của Herbalife, Stiritz đã lỗ khoảng 218,8 triệu USD.

Có thể nói, đã gần 100 năm kể từ khi Charles Ponzi - ông tổ của các trùm lừa đảo kinh doanh tín dụng đa cấp - sa lưới pháp luật, nhưng có thể thấy rằng, những mô hình kinh doanh theo mô hình kim tự tháp của ông vẫn được giới "hậu duệ" trọng dụng và ngày càng lan rộng sang các nước đang phát triển.