Đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại tuyến biên giới phía Bắc
Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kể từ khi triển khai Kế hoạch 243/KH-VPTT ngày 28/6/2017 của văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cào Cai tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới trên toàn tuyến đã có sự chuyển biến tích cực.
Trước đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc. Tại một số nơi, đã hình thành các tụ điểm tập trung đông người ngay sát đường biên cả ngày và đêm để mang vác, bốc xếp hàng hóa trái phép qua đường mòn trên núi, đồi, qua nhà dân, khu vực đất giao rừng, qua sông biên giới.
Các đối tượng đa số là dân di trú làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa thuê, thường xuyên xuất cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, sau đó nhận hàng và vận chuyển trái phép hàng qua biên giới về Việt Nam. Số hàng hóa này sau khi qua biên giới, được đưa lên các phương tiện xe máy, xe ô tô hoán cải, đò... để tập kết về các kho, chợ khu vực gần cửa khẩu.
Hàng hóa này sẽ được trà trộn vào các lô hàng nhập khẩu chính ngạch, hàng cư dân biên giới, hợp lý hóa bằng hóa đơn xuất bán hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khu vực biên giới để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ. Các hoạt động này diễn ra một cách công khai, nhộn nhịp. Riêng trên địa bàn Lạng Sơn, hàng ngày có hàng trăm lượt xe ô tô tải, xe khách hoán cải các loại vận chuyển số hàng nhập lậu, trốn thuế này về các tỉnh tiêu thụ.
Tại các cửa khẩu, các đối tượng thường gian lận về chủng loại, số lượng hàng hóa. Lợi dụng thủ tục hải quan tự động, ưu đãi về loại hình, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để buôn. Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới cũng bị các đối tượng lợi dụng. Các đối tượng thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu về Việt Nam sau đó được thu gom, tập kết tại một điểm. Số hàng hóa này sẽ được hợp thức hóa bằng những tờ hóa đơn bán hàng để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Tại các điểm biên giới như khu vực hai bên cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghĩ của tỉnh Lạng Sơn; khu vực Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh không còn tồn tại các tụ điểm tập trung đông người cả ngày lẫn đêm để làm nghề "cửu vạn". Việc vận chuyển hàng lậu không còn công khai, ngang nhiên. Các đối tượng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức xé nhỏ hàng hóa, đi từng nhóm nhỏ lợi dụng đêm tối, giờ thay ca và mở những lối mòn mới để vận chuyển hàng.
Các đơn vị chức năng nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu tại địa bản, số vụ bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, trốn thuế đã tăng so với các thời điểm trước đó và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó trị giá hàng hóa vi phạm bị bắt giữ, xử lý, nộp ngân sách đều tăng.
Có nhiều mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao trước kia được các đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép qua biên giới nhưng nay đã được làm thủ tục, khai báo nhập khẩu qua các cửa khẩu theo đúng quy định. Cụ thể, các loại hàng bách hóa, giầy dép, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, hoa quả khô… nhập theo hình thức nhập kinh doanh tiêu dùng đã tăng đáng kể vể cả số lượng và kim ngạch; Số thuế thu nộp ngân sách nhà nước tại nhiều chi cục hải quan tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2016 và các tháng trước khi triển khai kế hoạch; Phát sinh một số doanh nghiệp mới đã đăng ký để làm thủ tục nhập khẩu qua các Chi cục hải quan cửa khẩu
Công tác phối hợp lực lượng từ trung ương đến các lực lượng tại địa phương đã được cải thiện, hiệu quả hơn. Đặc biệt tại Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã huy động chính quyền địa phương các cấp vào cuộc một cách quyết liệt. Các biện pháp triển khai trong Kế hoạch 243 vừa đồng bộ, vừa mang tính trọng tâm, trọng điểm.
Trong thời gian thực hiện Kế hoạch, các đơn vị chức năng của tỉnh 3 tỉnh biên giới trọng điểm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh nội địa (Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh...), cùng lực lượng nòng cốt của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm Ma tuý... đều được huy động để cùng phối hợp đấu tranh hiệu quả.
Việc triển khai giám sát trực tuyến, kết hợp lực lượng tại chỗ, tập trung vào các điểm, đường mòn lối mở có hoạt động buôn lậu phức tạp đã tránh được việc dàn trải lực lượng trên tuyến biên giới dài, địa hình phức tạp. Các biện pháp kiểm soát chặt đường mòn, lối mở biên giới được triển khai đồng bộ với kiểm tra các tụ điểm tập kết hàng hoá, chấn chỉnh công tác quản lý dân cư khu vực biên giới, kiểm tra, bắt giữ phương tiện vận chuyển hàng lậu tại nội địa đã tạo ra thế trận thống nhất trên toàn tuyến, phần nào đã đánh trúng đối tượng buôn lậu có tính tổ chức, đường dây.
Qua công tác kiểm tra, đôn đốc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đến còn hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của các lực lượng tại biên giới, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng ngoài biên giới và các lực lượng trong nội địa. Việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, chủ mưu chưa hiệu quả. Có một số cá nhân, đơn vị có biểu hiện buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Các nội dung này đã được Văn phòng Thường trực báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo và đã có ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh, yêu cầu xử lý trách nhiệm.
Qua kết quả đạt được và những tồn tại trong việc thực hiên Kế hoạch 243, Văn phòng Thường trực phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo đến các lực lượng để ngăn chặn, xử lý. Kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu tại các địa phương.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, với những giải pháp cụ thể, phân công và giao trách nhiệm cho từng lực lượng, từng địa phương trên từng điểm biên giới và khu vực trọng điểm có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép. Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tiếp tay, "bảo kê" cho các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và xuất nhập cảnh trái phép. Có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị này. Đồng thời phải điều chuyển những cá nhân có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong việc giao quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng xuất cảnh trái phép, vận chuyển trái phép hàng hóa.
Chính quyền địa phương các cấp cần xác định công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh có đường biên giới là việc làm thường xuyên. Phải xem những kết quả đạt được trong thời gian qua là bước đấu, là kết quả của việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, sự phối hợp giữa các lực lượng của địa phương và của địa phương với trung ương.