Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh

Nguyễn Hồng Đoàn – Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính)

Chính phủ số, cùng với kinh tế số và xã hội số tạo thành 03 trụ cột trong một quốc gia số. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đến nay, Chính phủ đã dần chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Sau Chính phủ số, Chính phủ sẽ tiến tới Chính phủ thông minh, trong đó Chính phủ cung cấp các dịch vụ đổi mới sáng tạo, sử dụng các công nghệ số để đưa ra các phân tích, dự báo phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tự động. Với vai trò là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Chính phủ về các hoạt động quản lý tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã cơ bản thực hiện có hiệu quả và thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, hình thành Bộ Tài chính số nhằm hướng tới Bộ Tài chính thông minh.

Điểm nhấn trong chuyển đổi số ngành Tài chính thời gian qua

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã, đang tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả và thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số. Cụ thể:

Về các hoạt động xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản, cơ chế chính sách với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng hoặc cung cấp dịch vụ số cho Bộ Tài chính, cụ thể như: (1) Ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025.

Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm; (2) Ban hành Quyết định số 1162/QĐ-BTC ngày 08/6/2023 về Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính năm 2023, trong đó hướng đến mục tiêu thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiệu quả.

Trong hoạt động quản lý thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Ngày 21/3/2022, Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài chính thức đi vào hoạt động. Tính đến tháng 02/2024, đã có 85 Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Singapore, Ireland, Anh… với tổng số thuế đã nộp 13.604 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 3.478 tỷ đồng (gồm 1.850 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay); Năm 2023 là 8.096 tỷ đồng (gồm 6.896 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay); 02 tháng đầu năm 2024 là 2.030 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử. Về chính sách thuế quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, bổ sung quy định về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất.

Trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng và chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận dữ liệu của các sàn giao dịch thương mại điện tử từ ngày 15/12/2022. Quý I/2024, Bộ Tài chính ghi nhận 362 sàn giao dịch Thương mại điện tử cung cấp thông tin đến cơ quan thuế.

Đối với các hoạt động rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu của cơ quan Nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu, Bộ Tài chính đã ban hành 08 khoản phí liên quan đến cơ sở dữ liệu trong cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật phí, lệ phí.

Bảng 1: Số liệu dịch vụ công ngành tài chính
tính đến ngày 18/3/2024

Số liệu

CQ Bộ

TCT

TCHQ

UBCK

KBNN

DTNN

Tổng

Tổng DVC

183

235

225

104

11

7

765

DVCTT

toàn trình

25

146

133

68

11

0

383

DVCTT 1 phần

15

12

60

36

0

0

123

 

 

 

 

   

 

 

DV cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân

143

77

32

   

7

259

Trong đó: Số DVCTT tích hợp lên cổng DVCQG

40

101

98

36

9

0

284

Nguồn: Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính)

 

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số, Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế số, xã hội số tại Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó đã tổ chức buổi trao đổi, làm việc với đại diện Bộ Tài chính 02 quốc gia trên để tìm hiểu về mô hình chuyển đổi số các nước, kinh nghiệm triển khai, áp dụng các công nghệ số trong thực tế triển khai công việc. Ngoài ra, hàng năm, Bộ Tài chính đều tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tài chính về các kỹ năng cơ bản trong chuyển đổi số, đồng thời tuyên truyền về các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với chuyển đổi số.

Về triển khai các nền tảng số, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn,chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý Thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Kết quả triển khai toàn quốc đến ngày 18/3/2024 với tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là hơn 7,11 tỷ hóa đơn, trong đó hóa đơn có mã là gần 2 tỷ hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 1,98 tỷ hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế là 3,14 tỷ hóa đơn; Hóa đơn theo lần phát sinh là 1,53 triệu hóa đơn. Về việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, tính đến ngày 18/3/2024, có 47.122 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 228,3 triệu hóa đơn (tổng số tiền thuế là 11.177,7 tỷ đồng, tổng số doanh thu là 162.481,5 tỷ đồng).

Về phát triển và hình thành dữ liệu số, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng 10/12 kho cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành Tài chính liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu gồm: Ngân sách nhà nước, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ, Quản lý giá, Tài sản công và được kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với lượng lớn dữ liệu Bộ Tài chính đã chia sẻ lên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính đã được lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao khi các dữ liệu của Bộ Tài chính cung cấp có tính cập nhật, liên tục theo thời gian thực phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, giúp lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra các điều chỉnh về cơ chế, chính sách kịp thời khi có các yếu tố biến động về kinh tế, xã hội.

Về cung cấp dịch vụ số, tính đến ngày 18/3/2024, Bộ Tài chính có 765 Dịch vụ công trực tuyến trong đó có 383 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 123 Dịch vụ công trực tuyến một phần, 259 Dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tích hợp 284 Dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: Tổng cục Thuế 101 Dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan 98 Dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước 09 Dịch vụ công trực tuyến, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 36 Dịch vụ công trực tuyến, Cơ quan Bộ Tài chính 40 Dịch vụ công trực tuyến...

Về an toàn, an ninh mạng, các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Tài chính cơ bản đã được thực hiện các thủ tục về phê duyệt cấp độ an toàn thông tin ngay từ khi trình phê duyệt dự án và được triển khai các giải pháp an toàn bảo mật, an ninh theo quy định hiện hành.

Tồn tại, vướng mắc trong triển khai chuyển đổi số ngành Tài chính

Thứ nhất, một trong những khó khăn vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai chuyển đổi số của Bộ Tài chính chính là kinh phí bố trí cho chuyển đổi số. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, mức trung bình thế giới chi cho chuyển đổi số là từ 2-3% trên tổng chi ngân sách nhà nước của các quốc gia. Ở Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4-5%. Tuy nhiên, mức trung bình ở Việt Nam hiện nay là 0,82%. Theo đó có thể thấy mức chi dành cho chuyển đổi số tại Việt Nam còn khá thấp.

Thứ hai, là quy trình về thủ tục đầu tư và triển khai các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc triển khai các dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải thực hiện và tuân thủ theo các quy định về đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, quy định về đấu thầu và thường mất nhiều thời gian (với dự án nhóm B thời gian triển khai là 04 năm, nhóm C là 02 năm) trong khi vòng đời của sản phẩm công nghệ thông tin thường xuyên thay đổi nhanh chóng, trang thiết bị được cải tiến về công nghệ, các nền tảng mới liên tục được tạo ra để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Thứ ba, là nhân lực triển khai chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao về chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế. Sự chênh lệch về thu nhập giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp bên ngoài là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nghỉ việc để chuyển công tác sang các đơn vị bên ngoài… Bên cạnh đó, đặc thù cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại máy móc trang thiết bị công nghệ thông tin, đặc biệt là máy chủ thường có nhiều bức xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa được hưởng các chính sách, phù cấp theo nghề phù hợp với công việc.

Giải pháp chuyển đổi số ngành Tài chính hướng đến nền tài chính thông minh

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tài chính hướng đến nền tài chính thông minh, ngành Tài chính cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, về kinh phí, Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa đổi Mục lục ngân sách nhà nước, trong đó tập trung sửa đổi Thông tư số 324/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, bổ sung mục lục về hoạt động Chi cho chuyển đổi số, đồng thời cũng sẽ báo cáo Chính phủ về việc ưu tiên bổ sung kinh phí cho các hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Hai là, về quy trình, thủ tục đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tham gia ý kiến, phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trước mắt sẽ là việc sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN.

Ba là, về nhân lực chuyển đổi số, ngoài chế độ tiền lương mới dự kiến sẽ ban hành từ 01/7/2024, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu, xác định, kiến nghị Bộ Nội vụ có báo cáo Chính phủ về việc ban hành các chính sách phụ cấp theo nghề đối với đơn vị, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Bốn là, về việc sử dụng các công nghệ số trong công tác phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định tự động, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh về hoạt động phân tích nghiệp vụ, từ đó đề xuất các tình huống, nền tảng lý thuyết và đưa ra các bài toán cụ thể để các công cụ, công nghệ số có thể dựa vào đó hoạt động một cách hiệu quả và đem lại giá trị trong công tác quản lý, điều hành.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030;
  2. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
  3. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024