Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi


Bài viết khái quát bản chất của chuyển đổi số trong quản lý thuế, phân tích sự cần thiết phải chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam. Thông qua đánh giá quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý dữ liệu quản lý thuế ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua, bài viết chỉ ra Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình chuyển đổi số ở lĩnh vực quản lý thuế và đề xuất một số khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam thời gian tới.

Những dữ liệu quản lý thuế được lưu trữ trên hệ thống máy tính điện tử của cơ quan thuế.
Những dữ liệu quản lý thuế được lưu trữ trên hệ thống máy tính điện tử của cơ quan thuế.

Chuyển đổi số: Cuộc cách mạng về mô hình và cách thức quản lý

Chuyển đổi số là một trong những từ khóa "nóng" nhất trên mạng xã hội thời gian gần đây. Tuy vậy, cần hiểu đúng về chuyển đổi số và phân biệt giữa chuyển đổi số với số hóa và ứng dụng kỹ thuật số. Cụ thể: Số hóa (Digitization) là hoạt động chuyển thông tin từ các hồ sơ, chứng từ, tài liệu giấy (đôi khi kèm theo con dấu vật lý và chữ ký bằng bút mực) sang dạng kỹ thuật số được xử lý và lưu trữ bằng máy tính điện tử. Bước này có thể gọi là tin học hóa, cũng là yếu tố đầu tiên cần có để có thể chuyển đổi số.

Ứng dụng kỹ thuật số để xử lý dữ liệu (Digitalization) là việc sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa để làm cho cách thức hoạt động được hiệu quả hơn. Ứng dụng kỹ thuật số để xử lý dữ liệu giúp việc tính toán, truy cập, tổng hợp thông tin dữ liệu được nhanh chóng, thuận tiện. Một ví dụ về ứng dụng kỹ thuật số để xử lý dữ liệu trong quản lý thuế là áp dụng tính năng excel để tạo phần mềm tra cứu hóa đơn bất hợp pháp.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự thay đổi toàn diện của mô hình và cách thức vận hành các hoạt động của nền kinh tế nói chung và của mỗi tổ chức, mỗi loại hình hoạt động nói riêng gắn với việc số hóa và ứng dụng kỹ thuật số để xử lý dữ liệu, tối ưu hóa mọi hoạt động của đời sống con người.

Như vậy, có thể thấy, số hóa và ứng dụng kỹ thuật số không phải thực sự đã là chuyển đổi số mà là những bước chuẩn bị thiết yếu cho chuyển đổi số và là những thành tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình chuyển đổi mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng và sự phát triển của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Điều này có nghĩa; chuyển đổi số không phải là một hoạt động trong thời gian ngắn, mà là một quá trình lâu dài – một cuộc cách mạng về mô hình quản lý và cách thức quản lý thuế.

Quá trình ấy gắn chặt với ứng dụng kỹ thuật số mà trung tâm là công nghệ thông tin và các công nghệ hiện đại thuộc các lĩnh vực khoa học khác như vật lý, sinh học… Cuộc CMCN 4.0 mới bắt đầu và sẽ tiếp diễn mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là, với cuộc CMCN 4.0, trong thời gian tới công nghệ thông tin cũng như các công nghệ hiện đại khác sẽ tiếp tục phát triển thúc đẩy sự chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trong đó có quản lý thuế.

Trong khi thế giới đã đi qua 3 cuộc CMCN và đã bắt đầu bước sang cuộc CMCN 4.0 thì quản lý thuế mới trải qua 2 thế hệ phương thức quản lý (Quản lý thuế 1.0 và Quản lý 2.0). Cụ thể như sau:

- Quản lý thuế thế hệ 1.0 là mô hình và cách thức quản lý thuế trong đó cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp và bằng quyền lực công buộc người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ thuế gắn với các thủ tục hành chính bằng giấy tờ và công nghệ thủ công.

- Quản lý thuế thế hệ 2.0 là mô hình và cách thức quản lý thuế mà người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế, cơ quan thuế cung cấp dịch vụ thuế và giám sát để nâng cao sự tuân thủ thuế của người nộp thuế gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý dữ liệu trong kê khai, tính thuế của người nộp thuế và các chức năng quản lý của cơ quan thuế. Quản lý thuế thế hệ 2.0 còn được gọi là quản lý thuế điện tử. Tuy vậy, hoạt động quản lý thuế điện tử vẫn tách rời với các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước khác và chưa gắn chặt với các sự kiện và hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Trong khi đó, quản lý thuế thế hệ 3.0 là mô hình và cách thức quản lý thuế mới gắn với chuyển đổi số quản lý thuế trong bối cảnh CMCN 4.0. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (2020) cho rằng, quản lý thuế thế hệ 3.0 đặc trưng bởi các yếu tố về mô hình và cách thức quản lý như sau: (1) Sự gắn kết giữa hoạt động thường nhật (sản xuất, kinh doanh, lao động tạo thu nhập…) của người nộp thuế với quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế; (2) Cơ quan thuế không còn là đầu mối xử lý dữ liệu quản lý thuế, thay vào đó là một hệ thống tương tác liền mạch và liên hoàn giữa các chủ thể tham gia vào các giao dịch kinh doanh với nhau, với cơ quan thuế và với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên nền tảng kỹ thuật số; (3) Cách thức xác định nghĩa vụ thuế dần chuyển từ hệ thống tự kê khai, tự tính thuế sang hệ thống xác định nghĩa vụ thuế gắn với thời gian thực của hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, được chi trả ngay bằng hệ thống điện tử gắn với công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác; (4) Người nộp thuế là trung tâm của hệ thống quản lý thuế; người nộp thuế có thể tự kiểm tra tính chính xác về nghĩa vụ thuế của mình mà hệ thống công nghệ đã tự tính theo thời gian thực; người nộp thuế và người dân có quyền từ chối và chặn việc truy cập vào dữ liệu cá nhân đối với những đề nghị truy cập không vì mục đích thuế, không tiến hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (5) Các thủ tục thuế và dịch vụ thuế kết nối chặt chẽ với hệ thống quản lý và dịch vụ khác của các cơ quan nhà nước trong mô hình chính phủ điện tử.

Sự cần thiết phải chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam

Những người đi tiên phong trong chuyển đổi số trên thế giới cũng như Việt Nam, chính là các doanh nghiệp, đầu tiên là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ mới, sau đó là các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Những đối tượng này tiến hành chuyển đổi số trong công nghệ sản xuất, công nghệ kinh doanh, tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh vì lợi ích vô cùng to lớn mà kỹ thuật số đem lại.

Trong thời đại CMCN 4.0, chuyển đổi số là tất yếu đối với hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội bởi những lợi ích mà nó mang lại là vô cùng lớn, mặc dù vẫn có những mặt trái khó tránh khỏi. Quá trình chuyển đổi số thời gian qua đã làm cho thế giới phẳng hơn và làm thay đổi căn bản bộ mặt của thế giới. Những tổ chức, cá nhân nào chậm trễ và không chủ động tiến hành chuyển đổi số chắc chắn sẽ bị bất lợi. Trong quy luật chung ấy, quản lý thuế không phải và không thể là một ngoại lệ.

Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình chuyển đổi mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng và sự phát triển của kỹ thuật số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này có nghĩa là chuyển đổi số không phải là một hoạt động trong thời gian ngắn, mà là một quá trình lâu dài – một cuộc cách mạng về mô hình quản lý và cách thức quản lý thuế.

Kết quả của quá trình chuyển đổi số trong quản lý thuế là sự giảm thiểu khối lượng công việc xử lý dữ liệu của cơ quan thuế, giảm nhân lực quản lý, giảm các chi phí hành chính khác gắn với nhân lực quản lý.

Trong khi chi phí quản lý thuế giảm rất nhiều ở mô hình mới thì hiệu suất quản lý thuế được nâng cao, nghĩa vụ thuế được xác định kịp thời và chính xác gắn với thời gian thực và hoạt động tự nhiên của người nộp thuế.

Đồng thời, do nghĩa vụ thuế xác định đồng thời bởi hệ thống công nghệ thông tin kết nối đồng bộ nên làm giảm chi phí tuân thủ thuế, không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế, tức là tiếp tục góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho người nộp thuế.

Trong khi đó, người nộp thuế vẫn bảo vệ được dữ liệu kinh doanh, bảo vệ quyền riêng tư và vẫn có thể kiểm tra tính chính xác nghĩa vụ thuế của mình mà hệ thống đã tự tính và tự khấu trừ thuế. Trong xu hướng chung của thế giới và những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại có thể thấy, chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam là khá cấp thiết.

Hoạt động quản lý thuế của Việt Nam trong chu trình chuyển đổi số

Vào đầu những năm 2000, đặc biệt từ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cơ quan thuế tại Việt Nam đã bắt đầu thực hiện số hóa các hồ sơ, dữ liệu quản lý thuế và dữ liệu kê khai của người nộp thuế. Những dữ liệu quản lý thuế được lưu trữ trên hệ thống máy tính điện tử của cơ quan thuế. Các tài liệu văn bản pháp luật thuế và các văn bản trả lời vướng mắc của cơ quan thuế được số hóa thành bản mềm và được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế (https://www.gdt.gov.vn).

Trong những năm gần đây, số lượng văn bản pháp luật và các thủ tục hành chính thuế được công khai đầy đủ hơn. Đặc biệt, các dữ liệu số hóa phục vụ tra cứu thông tin cho người nộp thuế đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế như: Công khai thông tin về trạng thái hoạt động của người nộp thuế; danh sách người nộp thuế nợ thuế; thông tin phát hành hóa đơn của người nộp thuế; danh sách người nộp thuế rủi ro cao về thuế; danh sách người nộp thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; danh sách hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán… Cuối thập niên đầu tiên và đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cơ quan thuế bắt đầu đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế và hỗ trợ xử lý dữ liệu quản lý thuế và thực hiện các nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế.

Trong lĩnh vực hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế, bắt đầu từ năm 2008, công nghệ mã vạch hai chiều in ra từ phần mềm hỗ trợ kê khai do cơ quan thuế cung cấp cho người nộp thuế được triển khai áp dụng rộng rãi. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế nhận tờ khai giấy nhưng nhập dữ liệu vào máy tính bằng thiết bị đọc mã vạch hai chiều. Hoạt động này giúp người nộp thuế kê khai thuế được thuận tiện, nhanh chóng và giảm bớt sai sót nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục nộp tờ khai giấy cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế không phải nhập dữ liệu thủ công nhưng vẫn phải thao tác thủ công để nhận dữ liệu mã vạch hai chiều.

Bắt đầu từ năm 2010, cơ quan thuế triển khai hệ thống khai thuế qua mạng internet thay thế cho hệ thống kê khai thuế mã vạch hai chiều và đến năm 2012 đã triển khai xong tại 50 tỉnh, thành phố; Năm 2013, đã triển khai kê khai thuế qua mạng tại tất cả các địa phương trong cả nước, đồng thời với việc triển khai thí điểm nộp thuế qua ngân hàng.

Từ năm 2014, cơ quan thuế bắt đầu nâng cao hệ thống kê khai thuế qua mạng thành hệ thống kê khai thuế điện tử và triển khai mở rộng thủ tục nộp thuế điện tử qua ngân hàng. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018 đã từng bước mở rộng các sắc thuế áp dụng khai thuế điện tử và tăng tỷ lệ người nộp thuế kê khai thuế và nộp thuế điện tử, đặc biệt đối với người nộp thuế là doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, năm 2018, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; Đã có 99,93% số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Cũng trong năm 2018, 50 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Thủ tục hoàn thuế điện tử bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 2015 và dần triển khai mở rộng những năm sau đó.

Tính đến hết năm 2020, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã được áp dụng gần như bao phủ toàn bộ người nộp thuế và các sắc thuế chính. Theo Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2020 của Tổng cục Thuế: Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ thuế điện tử với cơ quan thuế là 800.007 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,76% trên tổng số 809.307 doanh nghiệp đang hoạt động.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 798.101 doanh nghiệp, đạt 98,52% trên tổng số 809.307 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3.209.540 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 730.982 tỷ đồng và 36.683.130 USD. Tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 9.297 trên tổng số 9.735 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 95,50%; số hồ sơ tiếp nhận là 26.327 hồ sơ trên tổng số 26.999 hồ sơ đạt tỷ lệ 97,51%.

Hóa đơn điện tử được cơ quan thuế triển khai bằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý về hóa đơn điện tử với sự ra đời của Thông tư số 32/2011/ TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành, sử dụng và quản lý hoá đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Từ thời điểm này, cơ quan thuế đã tăng cường tuyên truyền và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thư số và các điều kiện kỹ thuật cho việc phát triển hóa đơn điện tử.

Ngày 12/9/2018, Bộ Tài chính tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với lộ trình chính thức áp dụng hóa đơn điện tử với gần 100% người nộp thuế từ ngày 1/11/2020. Lộ trình này sau đó được điều chỉnh lùi lại cho phù hợp với điều kiện thực tiễn (quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/ NĐ-CP).

Theo đó, từ ngày 1/7/2022, chỉ trừ một số ít người nộp thuế ở địa bàn không có điều kiện áp dụng hóa đơn điện tử, những đối tượng còn lại sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế hoặc không có mã xác thực của cơ quan thuế. Những doanh nghiệp không sử dụng hóa đơn điện tử thì sử dụng hóa đơn đặt in do cơ quan thuế phát hành, chấm dứt việc sử dụng hóa đơn do cơ sở kinh doanh tự in và hóa đơn cơ sở kinh doanh đặt in.

Tiến độ phát triển hóa đơn điện tử trong thời gian qua cho thấy, đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tính từ thời điểm triển khai tháng 9/2015 đến ngày 31/12/2020, có 255 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong năm 2020, có 1.179.707 hóa đơn đã được cấp mã, tổng doanh thu trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 35.320 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 3.118 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020 đã có trên 550.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hoá đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.

Về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế, từ năm 2007, cơ quan thuế đã bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các chức năng quản lý thuế và dần dần hoàn thiện các ứng dụng này, đó là: ứng dụng quản lý hồ sơ thuế, ứng dụng quản lý nợ thuế, ứng dụng thanh tra, kiểm tra thuế… Đã có 16 ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển phục vụ các nghiệp vụ quản lý thuế tính đến năm 2013.

Từ năm 2014, cơ quan thuế bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS). Hệ thống này thay thế cho toàn bộ 16 ứng dụng riêng biệt trước đây. Trong năm 2015, hệ thống TMS đã được triển khai ở tất cả các cơ quan thuế địa phương trong cả nước và dần dần khắc phục những nhược điểm kỹ thuật của hệ thống TMS.

Mặc dù, đã đẩy mạnh số hóa dữ liệu cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý dữ liệu quản lý thuế, song vẫn còn khá nhiều thủ tục thuế và dữ liệu thuế sử dụng chứng từ và hồ sơ giấy. Một số sắc thuế vẫn chưa thực hiện kê khai điện tử. Hệ thống thủ tục thuế điện tử và nộp thuế điện tử chưa thực sự thông suốt giữa cơ quan Thuế với cơ quan Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại; Chưa liên thông và sử dụng chung cơ sở dữ liệu giữa cơ quan Thuế với các cơ quan nhà nước có liên quan. Hệ thống TMS chưa tự động phân tích dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Vẫn cần nhiều thao tác phức tạp để khai thác dữ liệu từ hệ thống TMS phục vụ các nghiệp vụ quản lý thuế.

Những phân tích trên cho thấy, hệ thống quản lý thuế của Việt Nam cơ bản đang ở khoảng gần cuối của thế hệ quản lý thuế 2.0, đang nằm giữa quá trình ứng dụng kỹ thuật số xử lý dữ liệu và còn một số phần việc chưa được số hóa.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế

Chuyển đổi số cần thời gian tương đối dài vì nó là một cuộc cách mạng về mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng kỹ thuật số và các công nghệ hiện đại. Trong khi hệ thống quản lý thuế hiện hành của Việt Nam mới ở khoảng giữa của quản lý thuế thế hệ 2.0, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thời gian tới cần thực hiện lộ trình 3 bước như sau:

Bước 1 (Từ năm 2021 đến 2025):

Đây là giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết và từng bước chuyển đổi số. Trong giai đoạn này, cần làm tốt các công việc sau đây:

- Số hóa toàn bộ hồ sơ, dữ liệu về quản lý thuế, kể cả các thủ tục trình và ra các quyết định quản lý thuế cũng chuyển dần sang phương thức giao dịch điện tử với hồ sơ điện tử, duyệt và ký điện tử.

- Chuyển dần tất cả các thủ tục thuế với tất cả các sắc thuế từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử; Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các thủ tục thuế thực hiện bằng phương thức điện tử và toàn bộ các quyết định quản lý thuế là văn bản điện tử. Thêm vào đó, các thủ tục nội bộ cơ quan thuế cũng cần chuyển dần sang thủ tục trình, phê duyệt và ra quyết định quản lý thuế bằng phương thức điện tử để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và không phát sinh thêm công việc cho công chức thuế khi vừa phải thực hiện thủ tục điện tử vừa phải trình văn bản giấy cho người có thẩm quyền ra quyết định về quản lý thuế.

- Triển khai thành công hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

- Phát triển phương thức nộp thuế điện tử ở mức độ thuận tiện cao nhất, đảm bảo ngay sau khi người nộp thuế hoàn thành việc nộp thuế thì hệ thống của Kho bạc nhà nước, cơ quan Thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan như cơ quan công an, địa chính… phải đồng thời ghi nhận theo khoảng thời gian thực của hoạt động nộp thuế. Điều này đảm bảo mọi thủ tục hành chính thuế và các thủ tục khác được nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người nộp thuế (Thực tiễn thực hiện chuyển đổi thủ tục khai lệ phí trước bạ từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử thời gian qua cho thấy, người dân không hào hứng với thủ tục điện tử vì nhiều trường hợp nộp xong thuế điện tử rồi mà mấy ngày sau cơ quan công an mới được thông báo người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế).

- Làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, máy tính, phần mềm và các giải pháp kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử.

- Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ công chức thuế đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số và chuẩn bị cơ cấu lại nguồn nhân lực giữa các bộ phận trong cơ quan thuế phù hợp với mô hình quản lý thuế 3.0.

Bước 2 (Từ năm 2026 đến 2030):

Đây là giai đoạn bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi số, bao gồm hàng loạt các vấn đề phải triển khai. Trên phương diện phương pháp quản lý và công nghệ quản lý, cần từng bước chuyển đổi từ hệ thống người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế gắn với xử lý dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế, sang hệ thống tự tính thuế của hệ thống công nghệ thông tin gắn với các hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo theo thời gian thực của mỗi hoạt động. Trước mắt, trong giai đoạn này, phương thức mới có thể áp dụng đối với các sắc thuế tiêu dùng.

Để áp dụng phương pháp và công nghệ quản lý mới này, cần sửa đổi quy định pháp luật, bởi lẽ các căn cứ tính thuế và thủ tục kê khai, tính thuế nộp thuế mà quy định pháp luật thuế và pháp luật về quản lý thuế hiện hành được xây dựng theo mô hình người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế, cơ quan thuế tập trung xử lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ và giám sát tuân thủ thuế của người nộp thuế, chứ không phải theo mô hình và phương thức mới nêu trên. Thêm vào đó, cần xác định lộ trình đổi mới phù hợp với quá trình phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của cơ quan thuế cũng như năng lực đáp ứng chuyển đổi số của cả hệ thống cơ quan nhà nước có liên quan, gắn với việc phát triển chính phủ điện tử.

Bước 3 (Từ năm 2031 trở đi):

Đây là giai đoạn hoàn thiện và nâng cấp chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam. Rất khó xác định thời gian kết thúc của giai đoạn này, bởi lẽ quá trình chuyển đổi số gắn với trình độ phát triển của cả nền kinh tế, trình độ số hóa các hoạt động kinh tế của Việt Nam và trình độ trang bị kỹ thuật của cơ quan thuế.

Trong giai đoạn này, cơ quan thuế sẽ tiếp tục áp dụng dụng mô hình và phương thức quản lý thuế mới theo hướng hoàn thiện và nâng cấp mô hình hệ thống tự tính thuế, tự khấu trừ thuế gắn với hoạt động thường nhật của người nộp thuế, gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế và áp dụng mở rộng cho các sắc thuế trong hệ thống thuế, đảm bảo khả năng tự kiểm tra, giám sát của người nộp thuế và khả năng kiểm soát của cơ quan thuế theo một cách thức kiểm soát mới.

Trong mô hình mới này, sẽ không tồn tại khái niệm thành lập đoàn thanh tra hay đoàn kiểm tra thuế mà hệ thống thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế là hệ thống tự động cảnh báo gắn với giao dịch thường nhật và thời gian thực của các hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế dựa trên trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn theo phương thức tự động, đáp ứng các nhu cầu của người nộp thuế gắn với thời gian thực phát sinh nhu cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thuế: Báo cáo tổng kết công tác thuế các năm từ 2010 đến 2020.

2. OECD (2016), Technologies for Better Tax Administration: a Practical Guide for Revenue Bodies.

3. OECD (2020), Tax Administration 3.0: The Digital Transformation of Tax Administration.

(*) PGS., TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2021.