Thực tiễn triển khai Luật Quản lý thuế năm 2019 và những vấn đề đặt ra
Ngày 13/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế năm 2019) trên cơ sở kế thừa các nội dung đang được thực hiện ổn định của Luật Quản lý thuế năm 2006 và các lần sửa đổi (2012, 2014, 2016), có chọn lọc những thông lệ tốt và chuẩn mực quốc tế.
Luật Quản lý thuế năm 2019 tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Bài viết đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế; những kết quả bước đầu cần ghi nhận, cũng như nhận diện những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực thi tuân thủ pháp luật thuế.
Thực tiễn triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019
Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế (QLT) bảo đảm sự gắn kết và phù hợp với nội dung đổi mới chính sách để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Thành tựu nổi bật trong QLT được ghi nhận khái quát như: Đề cao trách nhiệm của người nộp thuế (NNT), chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp thuế; Áp dụng phương thức quản lý rủi ro, đổi mới các quy trình, thủ tục quản lý; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tất cả các khâu quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cùng với điện tử hóa các nội dung quản lý như hóa đơn điện tử (HĐĐT), khai/nộp/hoàn thuế điện tử, kết nối liên thông với các cơ quan, tổ chức để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp (DN) và người dân;
Sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý... nâng thứ hạng xếp loại của Việt Nam tăng 38 bậc, được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong bốn quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có cải thiện vượt bậc về mức độ thuận lợi về thuế.
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN và người dân, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác QLT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật QLT số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Luật QLT năm 2019 ngoài việc kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định đã bổ sung những điểm mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho những thay đổi trong công tác QLT như: Mở rộng quyền cho NNT; Quy định về phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn;
Luật hóa quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT; Bổ sung quy định về QLT đối với hoạt động thương mại điện tử; Bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế; Bổ sung các quy định về ứng dụng CNTT; Mua thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử. Các quy định về kiểm toán, thanh tra, kiểm tra thuế cũng được hoàn thiện đồng bộ với các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực này.
Thực tiễn triển khai Luật QLT năm 2019 cho thấy, ngành Thuế đã đạt được những kết quả tích cực thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn Luật QLT năm 2019, trong đó có Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật QLT, Thông tư hướng dẫn Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về chứng từ hóa đơn.
Triển khai các thông tư hướng dẫn Luật QLT, Tổng cục Thuế đã có các văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN và người dân triển khai theo tinh thần các văn bản mới ban hành, đảm bảo thực hiện tuân thủ đúng pháp luật thuế.
Hai là, rà soát, phân tích các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật mới theo yêu cầu quản lý, như: Quy trình tiếp nhận thông tin dữ liệu HĐĐT kết nối từ DN; Quy trình quản lý HĐĐT có mã của cơ quan thuế đối với các giao dịch thương mại của DN và người dân; Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế đối với NNT theo mức độ rủi ro...
Ba là, nâng cấp các phần mềm, ứng dụng CNTT, hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ NNT thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác; đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết bị để tiếp nhận các thông tin dữ liệu được chuyển về kho dữ liệu tập trung khi cả nước thống nhất áp dụng HĐĐT mới (từ ngày 01/7/2022).
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên dữ liệu phục vụ yêu cầu quản lý. Đặc biệt, để hỗ trợ hiệu quả cho công tác QLT, ngành Thuế đã kết nối được cơ sở dữ liệu của Ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài nguyên, tài sản công nhằm tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về thuế và NNT.
Năm là, triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án QLT đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Đây là một trong những biện pháp để mở rộng cơ sở thuế theo quy định của Luật QLT, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tăng thu ngân sách nhà nước.
Để thực hiện tốt Đề án QLT, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin dữ liệu của các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan như: Bộ Công Thương (cơ quan cấp phép, quản lý các website thương mại điện tử); Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý về tần số, mạng viễn thông, internet); Bộ Công an (cơ quan quản lý về an ninh mạng); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan quản lý về thanh toán, phương tiện thanh toán); các ngân hàng thương mại (cung cấp dữ liệu về giao dịch)…; các DN cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, internet, dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam.
Cùng với kết quả tích cực trên, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho NNT thực hiện các thủ tục hành chính về thuế trên máy tính cá nhân, trên thiết bị di động, ngành Thuế đã và đang nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế; rà soát xây dựng các giải pháp hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ tiếng Anh và từng bước mở rộng thêm các ngôn ngữ phổ biến khác…
Như vậy, có thể thấy, những kết quả bước đầu triển khai thực hiện Luật QLT năm 2019 của ngành Thuế đã góp phần nâng cao hiệu quả QLT cho cơ quan thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân thực hiện tốt nhất nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản…; qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLT trong tình hình mới.
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật QLT năm 2019 cho thấy, để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện thực hóa mục tiêu cải cách tổng thể hệ thống thuế, xây dựng và vận hành hiệu quả một hệ thống thuế thân thiện với tăng trưởng; có cơ sở thuế rộng, cấu trúc thuế suất hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và phù hợp với khả năng của nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Từ yêu cầu thực tiễn, tiếp tục rà soát, phát hiện những quy định bất hợp lý, không phù hợp tại các văn bản hướng dẫn thực hiện để sớm trình các cấp có thẩm quyền, xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Một số chính sách về QLT đã ban hành, song còn vướng mắc và cách hiểu khác nhau, cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để thống nhất đưa vào văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền. Cụ thể:
- Nghiên cứu bổ sung hướng dẫn về thủ tục hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo quy định chính sách đối với xăng sinh học để đảm bảo thân thiện với môi trường: Xăng sinh học được khấu trừ thuế TTĐB đã trả, đã nộp tại khâu nguyên liệu đầu vào là xăng khoáng.
- Đối với các mặt hàng thuốc chữa bệnh, hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 5%, trong khi nguyên liệu đầu vào đang chịu thuế 5% và 10%. Mức thuế này sẽ dẫn tới trường hợp DN phát sinh số thuế âm.
- Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) quy định, xăng dầu nhập khẩu nộp thuế BVMT khi bán ra ngoài hệ thống phân phối, trong khi xăng, dầu sản xuất trong nước thì nộp tại nơi sản xuất. Trên thực tế, DN phân phối có thể nhập khẩu xăng dầu (chưa nộp thuế BVMT) hoặc mua của nhà máy lọc dầu trong nước (trong giá mua đã có thuế BVMT) và được chứa chung trong bồn, bể, đường ống dẫn... Do vậy, cần có hướng dẫn về vấn đề này để DN phân phối khai nộp đúng, nộp đủ thuế BVMT theo quy định.
Thứ hai, cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA) và QLT đối với DN có giao dịch liên kết quy định trong Luật QLT thể hiện sự tiến bộ trong hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá nhằm ngăn chặn việc sắp xếp các kế hoạch trốn tránh thuế của các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh, có thu nhập tại Việt Nam thông qua các DN có giao dịch liên kết.
Đây là 2 cơ chế bổ trợ và thay thế cho nhau, do cùng áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định giá giao dịch độc lập dựa trên các nguồn thông tin, dữ liệu được kiểm chứng.
Khi thỏa thuận APA được ký kết, DN có giao dịch liên kết trong thời hạn hiệu lực của APA sẽ không trong diện thanh tra, kiểm tra thuế về giao dịch liên kết. Do vậy, quy trình tham vấn để tiến tới ký kết APA phải chặt chẽ, khách quan, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý.
Thứ ba, vấn đề HĐĐT: Những năm qua, ngành Thuế đã tạo thuận lợi cho nhiều DN được áp dụng HĐĐT theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trên thực tế, HĐĐT có nhiều định dạng khác nhau và có thể in ra giấy (bản thể hiện của HĐĐT), tuy nhiên các thông tin trên HĐĐT vẫn lưu tại DN và không được truyền về cơ quan thuế.
Theo quy định của Luật QLT, đến ngày 01/7/2022 sẽ chuyển sang áp dụng HĐĐT thống nhất trên cả nước và các thông tin giao dịch trên HĐĐT sẽ được kết nối về kho dữ liệu tập trung. Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP khuyến khích DN có điều kiện áp dụng HĐĐT với thời gian sớm hơn. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, ngành Thuế chưa tiếp nhận được dữ liệu HĐĐT mà DN chuyển về cơ quan Thuế theo quy định của Nghị định số 123/NĐ-CP.
HĐĐT theo quy định mới gồm 2 loại (HĐĐT có mã của cơ quan thuế và loại HĐĐT không có mã cơ quan thuế) với cách vận hành và phương thức quản lý khác nhau.
Cụ thể, đối với HĐĐT có mã của cơ quan thuế, trước khi được bên bán phát hành hóa đơn cho bên mua, thông tin dữ liệu mua bán đó phải kết nối, chuyển về hệ thống trung tâm của cơ quan thuế, trên cơ sở thông tin DN bên bán đang ở trạng thái hoạt động bình thường, thì hệ thống sẽ tự động cấp mã số để hóa đơn đó giao dịch được.
Thông tin của 2 bên sẽ được hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế sử dụng trong việc theo dõi kê khai thuế của các bên, phục vụ công tác kiểm tra sau, đối chiếu hoàn thuế hoặc đôn đốc kê khai nộp thuế.
Đối với DN sử dụng HĐĐT không có mã cơ quan thuế thì hai bên mua bán trực tiếp giao dịch, trường hợp sử dụng dịch vụ HĐĐT của nhà cung cấp Dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (T-VAN) thì có 3 bên tham gia. Định kỳ hàng tháng các DN này hoặc T-VAN mới truyền dữ liệu HĐĐT về hệ thống trung tâm dữ liệu của cơ quan thuế.
Trong quá trình triển khai thực hiện đã có không ít người cho rằng, HĐĐT có mã của cơ quan thuế là xác thực nên hoàn toàn yên tâm. Lo ngại hơn, trên thực tế cũng có trường hợp có hành vi trục lợi HĐĐT có mã của cơ quan thuế và coi đây như “bùa hộ mệnh” để che dấu những giao dịch mà thông tin trên hóa đơn khác với thực tế.
Thứ tư, vấn đề QLT của Việt Nam có điểm khác biệt rất lớn so với nhiều nước trên thế giới, bởi DN và cơ quan thuế có trách nhiệm tham gia thực hiện Luật Ngân sách nhà nước đối với số thuế phát sinh từ hoạt động kinh tế diễn ra tại địa bàn.
Quy định về phân chia nguồn thu, về nội dung chính sách thu đối với những khoản thuế và thu có phân chia cho các cấp ngân sách (như thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB) đều dẫn đến những thay đổi tạo gánh nặng hoặc giảm bớt chi phí tuân thủ cho NNT...
Từ thực trạng này, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi của các địa phương với việc tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả QLT, cũng như tuân thủ tốt nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp có hoạt động ở khác địa phương đối với các loại thuế GTGT, BVMT, thu nhập DN.
Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở phân tích các nội dung trên, tác giả đề xuất một số thay đổi trong hướng dẫn khai thuế, nộp thuế, phân bổ, phân chia số thu thuế cho ngân sách các địa phương tại Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật QLT. Cụ thể:
Một là, trên cơ sở danh mục mẫu biểu, hồ sơ khai thuế trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cần hướng dẫn về các trường hợp khai số liệu tại các bảng tính chi tiết, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế. Cụ thể:
- Thuế TTĐB đối với xăng sinh học: Luật thuế TTĐB hiện hành quy định, xăng sinh học E5 áp dụng mức thuế suất 8%, xăng E10 thuế suất 7%, xăng khoáng là 10%; Luật quy định khi tính thuế TTĐB xăng sinh học được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp, đã trả tại khâu nguyên liệu xăng khoáng dùng để sản xuất xăng sinh học.
Do vậy, cần có bảng tính quy đổi từ sản lượng xăng sinh học tiêu thụ trong kỳ theo định mức pha chế để tính ra sản lượng xăng khoáng nguyên liệu, trên cơ sở đó tính ra thuế TTĐB xăng khoáng đầu vào. Trên Tờ khai thuế TTĐB sẽ có các chỉ tiêu TTĐB mặt hàng chịu thuế, thuế TTĐB đã trả tại khâu nguyên liệu, thuế TTĐB phải nộp (+) hoặc Thuế TTĐB được hoàn (-).
- Đối với trường hợp đặc thù chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh, luôn phát sinh thuế GTGT là số âm (-) do thuế đầu ra thấp (5%), đầu vào cao (10%) đề nghị hướng dẫn xếp vào diện hoàn thuế theo quy định của pháp luật chính sách, việc giải quyết hoàn thuế theo từng năm, sau khi tổng hợp tờ khai các tháng, quý trong cả năm đó.
- Xác định thuế BVMT trong trường hợp DN đầu mối vừa có xăng nhập khẩu, vừa mua xăng trong nước: Đề nghị quy định DN lập mẫu biểu phụ lục kê khai số lượng mua vào theo từng nguồn, làm cơ sở phân bổ theo số liệu hạch toán, xác định số lượng thuộc diện chịu thuế BVMT (gốc nhập khẩu) được bán ra tại từng địa bàn.
Hai là, để phát huy tác động tích cực và mối quan hệ giữa APA và cơ chế QLT đối với DN có giao dịch liên kết, cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp.
Thực tiễn QLT cho thấy, hiện nay, Hội đồng tư vấn thuế xã, phường tham gia vào quy trình QLT đối với hộ kinh doanh nhỏ, nộp thuế theo cơ chế khoán. Trong khi đó, các DN tham gia APA thường có cơ cấu phức tạp và phát sinh số thuế không nhỏ.
Vì vậy, cần thành lập Hội đồng tư vấn trong quy trình nghiệp vụ APA, trong đó thành phần bao gồm: bộ phận chủ trì tham mưu, đề xuất APA, đại diện của các đơn vị quản lý, giám sát theo chức năng, đại diện đơn vị trực tiếp quản lý DN, đơn vị có chức năng nghiệp vụ pháp chế, thanh tra, kiểm tra nội bộ, kê khai...
Ba là, tăng cường tuyên truyền để DN, người dân hiểu rõ “nguyên tắc vàng” của HĐĐT là chủ thể thật, giao dịch thật, thông tin thật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh để nhận diện, xử lý kịp thời các hành vi trục lợi, gian lận thuế.
Bốn là, hướng dẫn kê khai thuế, phân bổ thuế, phân chia số tiền thuế cho ngân sách các địa phương theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP trong các trường hợp cụ thể sau:
- Thuế GTGT khai nộp vào NSNN tại địa phương (cấp tỉnh) nơi diễn ra hoạt động kinh doanh khác địa bàn cấp tỉnh mà DN đóng trụ sở: Trước đây, DN khai thuế tại trụ sở chính và khai tạm nộp thuế theo tỷ lệ % doanh thu tại các địa phương (cấp tỉnh) nơi có hoạt động kinh doanh khác địa bàn trụ sở chính. Số thuế nộp tại địa phương được trừ vào số thuế phải khai nộp tại trụ sở chính.
Quy định mới tại Điều 45 Luật QLT năm 2019, Điều 11 Nghị định số 126/2020/ NĐ-CP: DN khai thuế tập trung tại trụ sở chính, đồng thời phân bổ, phân chia số thuế GTGT cho các địa phương nơi có hoạt động kinh doanh theo tiêu chí doanh thu.
Để không gây xáo trộn hoạt động của DN và ngân sách các địa phương, đề nghị DN tạm nộp thuế GTGT tại địa bàn ngoại tỉnh theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với bán hàng hóa được sản xuất tại địa phương (loại có thuế suất 10%), nộp theo tỷ lệ 1% doanh thu đối với xây dựng, lắp đặt và hàng hóa loại có thuế suất 5% sản xuất tại địa phương. Không áp dụng tỷ lệ % nộp trên doanh thu đối với hoạt động thương mại thuần túy thực hiện tại địa phương khác trụ sở chính.
- Đối với thuế GTGT hoạt động sản xuất thủy điện phân chia cho các địa phương có chung lòng hồ, nhà máy thủy điện kế thừa quy định hiện hành, nhưng cần giao trách nhiệm chủ trì cho cơ quan Thuế hướng dẫn DN tự tính và phân chia (phân bổ) số thuế phải nộp cho từng tỉnh.
- Đối với thuế TNDN: Trong quá trình thực hiện pháp luật thuế đã có không ít địa phương đề xuất phải chia số tiền thuế TNDN trong trường hợp DN có hoạt động kinh doanh hoặc có cơ sở phụ thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, pháp luật về thuế TNDN hiện hành chỉ cho phép phân bổ số thuế TNDN đối với trường hợp DN có đơn vị phụ thuộc là cơ sở sản xuất bởi những cơ sở này có liên quan đến vấn đề lao động, môi trường, an ninh trật tự tại địa phương.
- Về phân bổ thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Xu hướng chuyển đổi số đang thúc đẩy các DN chuyển sang mô hình quản lý tập trung. Trên thực tế, các DN áp dụng cơ chế quản lý, hạch toán việc chi trả lương, thưởng cho nhân viên tập trung tại trụ sở chính.
Để tạo thuận lợi cho DN tiết giảm chi phí nhân viên trong quản lý nhân sự, theo dõi hạch toán, khai nộp thuế TNCN, hướng dẫn DN thực hiện khai tập trung tại trụ sở chính, đồng thời lập bảng phân bổ số thuế TNCN cho các địa phương (cấp tỉnh) theo danh sách nhân viên của DN.
- Hướng dẫn cụ thể về biểu thuế BVMT đối với than tiêu thụ nội địa và xăng dầu theo đúng quy định. Hiện nay, than khai thác được tập trung về một đầu mối tiêu thụ sau khi trải qua công đoạn sàng tuyển, phân loại và thuế BVMT chỉ thu đối với số lượng than tiêu thụ nội địa.
Do vậy, đơn vị/DN làm đầu mối tiêu thụ sẽ xác định tổng số thuế BVMT đối với than tiêu thụ để lập tờ khai, kèm theo bảng phân bổ số thuế BVMT để từng đơn vị/DN theo dõi hạch toán nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế quản lý đơn vị theo dõi số thu thuế hạch toán cho ngân sách.
Về thuế BVMT đối với xăng dầu sản xuất trong nước và tiêu thụ trong nước do hai nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn) sản xuất thì căn cứ sản lượng thực tế bán ra theo hóa đơn và mức thuế tương ứng, DN lập tờ khai và nộp thuế tại địa phương.
Đối với các thương nhân phân phối xăng dầu, thuế BVMT chỉ phát sinh khi họ bán xăng dầu nhập khẩu (hoặc xăng dầu mua từ các thương nhân đầu mối khác có gốc nhập khẩu) cho người mua ngoài hệ thống hoặc bán lẻ, còn xăng dầu mua của 2 nhà máy lọc dầu trên thì không phải khai thuế BVMT (trong giá mua đã có thuế BVMT).
Trong trường hợp này, đề nghị có hướng dẫn cho thương nhân đầu mối thực hiện phân bổ số thuế phải nộp cho từng địa phương cấp tỉnh căn cứ vào tỷ trọng số lượng xăng dầu bán ra tại từng địa phương chiếm trong tổng số xăng dầu mà thương nhân đó bán ra.
Kết luận
Sau một năm thực hiện Luật QLT năm 2019 đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ quan có thẩm quyền các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để DN, người dân thực hiện; rà soát, cải tiến các quy trình nghiệp vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp các phần mềm quản lý; kết nối với các các cơ quan trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên; triển khai đề án QLT đối với thương mại điện tử.
Từ thực tiễn QLT, tác giả đề xuất cần có thông tư hướng dẫn chi thiết đối với từng sắc thuế, khoản thu để DN, người dân tuân thủ đúng pháp luật thuế. Hy vọng rằng, bài viết góp phần gợi mở định hướng để phát huy hiệu quả của công tác QLT trong cuộc sống, từ đó phục vụ DN và người dân ngày càng tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2010, 2013, 2014, 2015, 2016), Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010; Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015; Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản Quốc hội (2006, 2012, 2014, 2019), Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật số 71/2014/QH13 ngày 2/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;
2. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 6/12/2004 phê duyệt Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010; (2011), Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020;
3. Ngân hàng Thế giới (2011), Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn; (2020), Báo cáo Môi trường kinh doanh;
4. Nguyễn Văn Phụng (2021), Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030: Hướng đến một cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững (Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, Số 1 (34) Tháng 02/2021.
(*) Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2021.