Cục Thuế Vĩnh Phúc:

Đẩy mạnh hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý

Thùy Linh

Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý chưa thực hiện đúng quy định về kết nối, xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng.

Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ thực hiện nghiêm quy định pháp luật về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo từng lần bán hàng trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ thực hiện nghiêm quy định pháp luật về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo từng lần bán hàng trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.

Tăng cường quản lý, kiểm tra

Nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát quản lý thuế, thực hiện hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền từ ngày 15/6/2024 đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý trên địa bàn.

Để tiếp tục đẩy mạnh quản lý thuế, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm, rủi ro trong lĩnh vực này, trong thời gian tới, Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý chưa thực hiện đúng quy định về kết nối, xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng. Cùng với đó, sẽ kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có các yếu tố rủi ro khác như số lượng hóa đơn sử dụng, doanh thu thấp, có phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn hoặc ngược lại... để xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

 

Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ phân công cụ thể và giao trách nhiệm cho từng công chức quản lý các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý của doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh; thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc quản lý thuế, giám sát việc thực hiện xuất hóa đơn, phát sinh doanh thu kinh doanh.

Cục Thuế cũng yêu cầu bổ sung nhiệm vụ kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh, chế tác vàng bạc, đá quý cho giai đoạn từ năm 2024 có các dấu hiệu rủi ro về thuế, hóa đơn.

Các đơn vị trực thuộc cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm pháp luật về thuế hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử và xử lý theo quy định pháp luật.

Cục Thuế Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý cần nắm rõ các quy định về quản lý thuế nói chung và quy định về lập hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh vàng bạc của đơn vị nói riêng để tránh các vi phạm trong pháp luật quản lý thuế và hóa đơn.

Hiện nay việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, chế tác vàng đang được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan.
Hiện nay việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, chế tác vàng đang được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan.

Quy định pháp lý rõ ràng

Được biết, hiện nay việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, chế tác vàng đang được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan.

Theo đó, đối với doanh nghiệp, căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Thuế giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có hoạt động gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan, bán buôn, bán lẻ đồ kim hoàn và chi tiết liên quan thực hiện quản lý thuế theo một trong hai phương pháp. 

Thứ nhất là phương pháp hộ khoán chỉ áp dụng đối với hộ có quy mô nhỏ, không thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn. Hộ khoán khai thuế một năm một lần và khai điều chỉnh bổ sung nếu có thay đổi quy mô kinh doanh từ 50% trở lên. Cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp theo năm và thực hiện điều chỉnh thuế khoán nếu hộ khoán có thay đổi quy mô kinh doanh từ 50% trở lên.

Thứ hai là phương pháp hộ kê khai, áp dụng đối với hộ quy mô lớn và hộ xác định được doanh thu. Hộ kê khai khai thuế theo tháng hoặc quý và phải thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, hóa đơn.

Số thuế phải nộp của hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực gia công sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đồ kim hoàn bằng doanh thu tính thuế nhân với tỷ lệ tính thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân theo quy định.