Đẩy mạnh hợp tác kinh tế - đầu tư giữa Việt Nam và Lào
(Tài chính) Tính đến nay, đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng… Nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động của Lào.
Tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các DN Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng…
Tổng số FDI giải ngân lũy kế của các dự án Việt Nam đến nay đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tương ứng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam tại Lào, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động của Lào.
Đầu tư của các DN Việt Nam vào Lào tập trung lớn tại khu vực Trung Nam Lào. Tính đến hết tháng 9/2014, số dự án đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Nam Lào là 199 dự án, chiếm khoảng 49% tổng số dự án đầu tư vào Lào; tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng số FDI đăng kí của Việt Nam tại Lào.
Nhiều dự án quy mô lớn đang được các DN Việt Nam tích cực triển khai như: lĩnh vực khai khoáng (Dự án muối mỏ Kali tại Khăm muộn với tổng đầu tư gần 500 triệu USD); lĩnh vực năng lượng, thuỷ điện (điện (Có 4 dự án, tổng số vốn đầu tư là hơn 1,17 tỷ USD, chiếm 24,7% như: Dự án thủy điện Xekaman 1, Thuỷ điện Luangprabang,…); Đầu tư cơ sở hạ tầng (Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khămmuộn, sân bay Attopư, các dự án xây dựng đường giao thông khác), điển hình đi đầu tạo động lực cho doanh nghiệp là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và du lịch mang tính đột phá.
Về hợp tác thương mại, đến hết tháng 9 năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Lào đạt 995 triệu USD. Riêng khu vực Trung Nam Lào, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 600 triệu USD, (tăng 48.3% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 60% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 190 triệu USD, nhập khẩu từ Lào đạt 410 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2014, kim ngạch hai chiều Việt Nam – Lào đạt 1.4 tỷ USD.
Riêng tình hình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung Nam Lào cũng đạt nhiều kết quả đáng kể. Các dự án đều tập trung vào khai thác các thế mạnh của khu vực Trung Nam Lào như: trồng cây công nghiệp (Cao su, cọ), thủy điện, khai khoáng… Các dự án đều thực hiện đúng tiến độ, được Chính phủ Lào, địa phương Lào đánh giá là có hiệu quả, góp phần thay đổi hẳn diện mạo kinh tế của địa phương, cải thiện cơ bản cuộc sống của người dân Lào khu vực đầu tư dự án.
Bên cạnh hợp tác đầu tư của DN, chính quyền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Trung Nam Lào như: chương trình cử chuyên gia hỗ trợ cho các tỉnh Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sekong, hỗ trợ nâng cấp các cửa khẩu Phù Cưa, Đak Blô, Tây Giang – Kà Lừm và các công trình khác như thao trường, bệnh xá, trường mẫu giáo giữa các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum với tỉnh Sekong, Attapue,…
Với tư cách đầu mối tổ chức, dẫn dắt các DN Việt Nam trong đầu tư vào Lào, AVIL là đầu mối tạo thành khối gắn kết, tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm các Dự án do DN Việt Nam đầu tư, giải quyết cơ bản vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNVN trong cùng lĩnh vực đầu tư; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN đầu tư sang Lào; kịp thời tập hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các DN Việt Nam báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành 2 nước.
Phát biểu tại tọa đàm, bên cạnh việc nêu rõ những bất cập, vướng mắc đang tồn tại trong việc đầu tư vào Lào của các DN Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ các bất cập hiện có, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIL/BIDV cũng đề nghị: “Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam giao AVIL là đơn vị tư vấn cho các cơ quan chức năng hai nước về năng lực, kinh nghiệm và khả năng thực hiện dự án đầu tư của DN trước khi Chính Phủ hai nước cấp phép”.
Mục tiêu phấn đấu của AVIL đến 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sang Lào phấn đấu đạt được 5.8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 11.6%, trong đó khu vực Trung Nam Lào chiếm 95,5% (tăng trưởng 12%); Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước phấn đấu cán đích 2 tỷ USD vào năm 2015, tăng khoảng 42% so với 2014. Trong đó, khu vực Trung Nam Lào phấn đấu đạt từ 1-1.2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 60%), gấp khoảng 1.5 lần so với 2014).
Tại tọa đàm, các DN đã báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, địa phương hai nước để có giải pháp tháo gỡ tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án đầu tư của DN Việt Nam tại Lào trong thời gian tới; Các ý kiến đề xuất và những nội dung được đưa ra tại tọa đàm cũng sẽ được Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam tổng hợp để xem xét đưa vào nội dung hợp tác của kì họp lần thứ 37 ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2015.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của Chính phủ, Bộ, ngành hai nước; sự hỗ trợ, dẫn dắt làm tốt vai trò cầu nối của AVIL cùng với sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách (các thủ tục về thuế, thông quan, hải quan....) của Hiệp định thương mại song phương mới chuẩn bị kí kết giữa hai nước sẽ tạo ra cú hích đẩy mạnh hợp tác đầu tư, tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Nhân dịp này, AVIL cũng đã đưa ra những đề xuất chung đối với chính phủ hai nước. Theo đó, cần sớm thống nhất ký kết Hiệp định thương mại song phương mới giữa Việt Nam và Lào trong năm 2014 và các quy chế phối hợp chung và hướng dẫn triển khai các Hiệp định hợp tác thương mại, đầu tư giữa 02 nước. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng thương mại hai nước có cơ chế hỗ trợ đối với DN để thực hiện dự án như chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận, tài trợ vốn, lãi suất và tài sản đảm bảo. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước phối hợp thống nhất và hướng dẫn DN thực hiện hạch toán, ghi nhận đầu tư, thuế và các chi phí an sinh xã hội…