Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán

PV. (t/h)

Trước thực tế phát sinh các vướng mắc nhất định cần phải nghiên cứu sửa đổi, tại Luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tăng cường tính hiệu lực hiệu quả và năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Theo Bộ Tài chính, quá trình triển khai thực hiện cho thấy, Luật Kế toán đã phát sinh các vướng mắc nhất định cần phải nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như thực tiễn thực hiện. Trong đó, một trong những vướng mắc cần giải quyết là yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tăng cường tính hiệu lực hiệu quả và năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán.

Hiện nay, Luật Kế toán năm 2015 chỉ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước về kế toán. Vì vậy, đã dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện, một số trường hợp không xác định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương về các công việc phối hợp.

Theo ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Thanh tra, tuy nhiên do số lượng đơn vị kế toán rất lớn, phân bổ rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên cần quy định rõ hơn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo công tác chỉ đạo, tổ chức, quản lý nhà nước về kế toán được phủ rộng hơn nữa trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 6 Luật Thanh tra đã đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Như vậy, Luật Thanh tra đã đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Tuy nhiên, do đây là Luật chung, không thể đề đề cập đến từng lĩnh vực cụ thể, vì vậy để đảm bảo căn cứ và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ quản lý chuyên ngành, của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính kiến nghị sửa khoản 3, 4 Điều 71 Luật Kế toán để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với tất cả các đơn vị, các lĩnh vực trong việc thực hiện quy định của Luật Kế toán.

Cụ thể, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế, đối với lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngoài các nhiệm vụ như các bộ, cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán.

Đồng thời, tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.