Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực kế toán: Bước đi chủ động, giải pháp căn cơ
Đó là khẳng định của PGS. TS. Phạm Quang Huy - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khi chia sẻ với Tạp chí Tài chính về một số nội dung tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Phóng viên: Tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia, Chính phủ đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Quang Huy: Kế toán luôn được xem là một bộ phận quan trọng trong một tổ chức cũng như một thành phần thiết yếu trong bất kỳ một quốc gia nào do quá trình cung cấp hàng loạt các thông tin tài chính, phi tài chính phục vụ cho nhu cầu đánh giá, sử dụng của nhiều đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, dù đối với các doanh nghiệp trong khu vực tư hay các đơn vị trong khu vực công, kế toán luôn khẳng định rằng hoạt động giao dịch hàng ngày phải đối diện với nhiều cấp, nhiều đối tượng quản lý khác nhau. Trên thực tế, có những hướng dẫn của cơ quan, tổ chức cũng có sự khác nhau trong quá trình kiểm tra, thanh tra hay xoát sét hồ sơ có liên quan. Điều này có thể gây ra những trở ngại nhất định, khiến kế toán khó có thể phát huy hết những kết quả tích cực mà đáng lý ra phải có.
Theo mục tiêu của Chính phủ trong quá trình định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền chính là tăng cường tính tự chủ của đơn vị, thực hiện mọi hoạt động trên nền tảng pháp luật. Do đó, để nâng cao năng lực của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính của quốc gia nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng, việc đề xuất sửa đổi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Luật lần này cho thấy một bước đi chủ động hơn, một giải pháp căn cơ hơn, tạo ra thêm một bàn đạp để công tác tổ chức kế toán tại các tổ chức được chủ động, tránh hiện tượng chồng chéo hoặc chưa rõ ràng, từ đó chức năng của kế toán sẽ phát huy được tính hiệu quả và là công cụ quản trị đắc lực.
Tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý, cần xác định rõ phân cấp nội dung gì và phân quyền ở mảng nào; mỗi đối tượng cụ thể sẽ được giao các nội dung đó ra sao.
Phóng viên: Hiện nay, nhiều người làm công tác kế toán vi phạm pháp luật thụ động do phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo. Để bảo vệ người làm công tác kế toán, Dự thảo Luật Kế toán đã đề xuất liên quan đến nội dung này. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
PGS.TS. Phạm Quang Huy: Cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế, trong những năm qua, đã ghi nhận được nhiều vụ án với tình hình tội phạm về kinh tế gia tăng, trong đó có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính kế toán, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hành vi trên không chỉ để lại những hậu quả về mặt xã hội - kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế chung của quốc gia.
Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra chi tiết thực tế thì các cơ quan xử lý đã nhận thấy rằng, những vi phạm đó có thể là chủ quan, cố ý nhưng cũng có khá nhiều sự việc cho thấy những người tham gia trong chu trình kế toán đó đành phải thao tác, triển khai một cách bị động, hoàn toàn không có lựa chọn nào khác. Điều này đã được nhìn nhận và trong Dự thảo Luật lần này một trong những điểm quan trọng chính là xác định và đề xuất hướng giải quyết cho trường hợp kế toán viên vi phạm pháp luật thụ động do phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo hay do những nguyên nhân khác.
Liên quan đến nội dung này, theo tôi, Dự thảo cũng cần nêu rõ hai nhóm trường hợp chính trong trường hợp này, đó là chỉ đạo của người đứng đầu hoặc do các yếu tố có tính khách quan dẫn đến vi phạm đó.
Phóng viên: Một trong những nội dung sửa đổi thu hút được sự quan tâm là làm rõ về báo cáo tài chính, tránh để người sử dụng báo cáo tài chính hiểu chưa đúng về tình hình tài chính. Theo ông, nội dung sửa đổi báo cáo tài chính có đáp ứng được yêu cầu này?
PGS.TS. Phạm Quang Huy: Chúng ta biết rằng, báo cáo tài chính luôn được xem là một kết xuất quan trọng của chu trình kế toán trong một đơn vị. Người sử dụng thông tin bên ngoài hầu hết không thể truy cập, truy xuất bất kỳ văn bản, chứng từ, báo cáo, sổ sách nào của đơn vị ngoại trừ duy nhất chính là bộ báo cáo tài chính.
Do vậy, tôi cho rằng, việc tập trung sửa đổi, cập nhật quy định liên quan đến mảng báo cáo tài chính là một nội dung chỉnh sửa trong Luật được đánh giá là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) cũng vừa ban hành Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS 18 vào ngày 09/4/2024 với tên gọi “Trình bày và công bố trong Báo cáo tài chính”. Chuẩn mực này có hiệu lực từ ngày 01/01/2027 sẽ có thể làm cơ sở trong quá trình hướng dẫn chi tiết về báo cáo tài chính của Việt Nam trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ quan soạn thảo cần xác định rõ các nội dung có liên quan đến báo cáo tài chính giữa khu vực công và khu vực tư, giảm dần khoảng cách khác biệt trong khái niệm, ý nghĩa, cấu trúc... Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cần có sự đồng bộ, nhất quán theo cách ghi nhận giao dịch đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi cũng như liên quan đến giao dịch hợp nhất cũng cần quan tâm điều chỉnh.
Tôi được biết, trong đề xuất sửa đổi lần này, bên cạnh 4 báo cáo tài chính như từ trước đến nay gồm Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính thì còn có “Báo cáo khác theo quy định của pháp luật”. Đây là đề xuất rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, song theo tôi, cũng cần quy định rõ để tránh việc các cơ quan cấp dưới sẽ ban hành những quy định chồng chéo, không nhất quán, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng ngược lại với những kỳ vọng ban đầu của cơ quan soạn thảo. Chẳng hạn, chúng ta cũng có thể tham khảo thuật ngữ theo hướng quốc tế, chính là “Báo cáo kế toán” hay “Báo cáo hoạt động” để phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Phóng viên: Ký chứng từ kế toán cũng là một nội dung quan trọng được đề xuất. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số?
PGS.TS. Phạm Quang Huy: Bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính thì tất cả người làm công tác trong bộ máy kế toán, tài chính, kế hoạch cũng như các đối tượng lãnh đạo, quản lý có liên quan khác đều biết rằng mọi giao dịch ghi nhận vào sổ sách đều phải có chứng từ kế toán theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều kế hoạch để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trong mọi hoạt động của cuộc sống. Từ đó, việc điều chỉnh nội dung về ký chứng từ kế toán cũng là một chủ đề được đánh giá là có tính cập nhật, có sự quan tâm thấu hiểu của Chính phủ.
Cùng với sự điều chỉnh về việc xác nhận chứng từ theo quy định giao dịch điện tử, dự thảo Luật lần này có thể cân nhắc thêm về khái niệm chứng từ kế toán trong luật hiện hành để bổ sung cho hợp lý cùng với pháp luật về lưu trữ tài liệu, chứng từ cụ thể như thế nào nếu có điều chỉnh...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!