Đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm
Đây là một trong những giải pháp được đề ra tại Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, qua đó góp phần xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng hiện đại, tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, nếu như trước đây, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có sản phẩm bảo hiểm truyền thống, thì những năm gần đây đã xuất hiện một số sản phẩm phi truyền thống bao gồm yếu tố đầu tư như bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, trong đó khách hàng không chỉ được bảo vệ về mặt tài chính mà còn có thể tham gia vào hoạt động đầu tư.
Sự xuất hiện và đa dạng hóa trong các sản phẩm bảo hiểm sẽ khiến các doanh nghiệp cần phải dành nguồn lực để nghiên cứu, đầu tư, thiết kế sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, khách hàng chính là người được hưởng lợi từ áp lực cạnh tranh này trong việc cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm ngày càng nhiều lợi ích này.
Nói cách khác, việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần thu hút khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và sự phát triển bền vững, nhanh mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng.
Do vậy, trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già; các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng; hợp tác, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, hạn chế cạnh tranh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính và giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và góp phần ổn định an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện; Khuyến khích đổi mới phương thức phát triển, thiết kế sản phẩm bảo hiểm gắn liền với cách mạng công nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo hướng cá nhân hóa đặc tính, nhu cầu của khách hàng; Đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử trong giao dịch bảo hiểm, đảm bảo an toàn, bảo mật và tin cậy.