Đẩy mạnh quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Mông Cổ

Theo chinhphu.vn

Sáng ngày 14/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và hơn 100 doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ. Nguồn: chinhphu.vn

Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Mông cổ chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ và thế mạnh của mỗi nước; nêu rõ Chính phủ hai nước tạo mọi điều kiện cho thương mại đầu tư Việt Nam – Mông Cổ ngày càng phát triển mạnh mẽ để tương xứng với tiềm năng trong thời gian tới.

Thủ tướng giới thiệu với các doanh nghiệp Mông Cổ về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam; đồng thời Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, thành viên năng động của 70 tổ chức quốc tế và khu vực, hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, tham gia 13 hiệp định thương mại tự do, có quan hệ thương mại tự do với 50 nước, trong đó có 20 nước G20. Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp Mông Cổ đặt chân vào thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường thế giới, thị trường các nước ASEAN.

Nêu rõ các lĩnh vực, mặt hàng của Việt Nam có thể vào thị trường Mông Cổ như nông sản, thực phẩm, hải sản, nhất là rau quả, Thủ tướng cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể ký hợp đồng cung ứng Mông Cổ trong nhiều năm các nông sản như cà phê, cà chua, dưa chuột, gạo… và cũng có thể cử các đội thợ lành nghề nhất sang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Mông Cổ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhu cầu đầu tư vào Mông Cổ trên một số lĩnh vực như khai khoáng, xây dựng, du lịch hay các sản phẩm của Mông Cổ như thịt gia súc, đồng, than, dầu khí.

Để khắc phục trở ngại lớn đối với thương mại hai nước hiện nay là vận chuyển hàng hóa có chi phí cao, Thủ tướng cho rằng hai bên có thể thiết lập kênh vận tải mới như hàng không.

Tại diễn đàn, Thủ tướng khẳng định, là nước hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Mông Cổ vào hoạt động tại Việt Nam với tinh thần đôi bên cùng có lợi, hai bên cùng thắng.