Đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam

ThS. Trần Thị Nhật Hà, ThS. Dương Nguyễn Uyên Minh - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt một số kết quả nhất định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn này trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế, như: Thủ tục hành chính, giấy tờ xét duyệt và cấp giấy phép còn chậm; thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số vướng mắc về thuế, ưu đãi đầu tư… Bài viết đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI và đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng thu hút FDI ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam được cộng đồng nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, góp phần tác động tích cực đến triển vọng thu hút FDI của Việt Nam. Cùng với đó, các chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã được thông qua. Các chính sách này có nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch và đa dạng hóa các hình thức đầu tư; bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng chú ý, các chính sách này khuyến khích các NĐT đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, hoạt động đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vào Việt Nam chiếm tỷ trọng cao (Bảng 1). Đồng thời, đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn cũng tăng.

Bảng 1: Top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất
tại Việt Nam năm 2022

Thứ tự

Đối tác/quốc gia

Tổng vốn FDI
(tỷ USD)

Chiếm tỷ lệ %

1

Singapore

6,46

23,3

2

Hàn Quốc

4,88

17,6

3

Nhật Bản

4,78

17,2

4

Trung Quốc

2,52

9,1

5

Hồng Kông

2,22

8,0

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Năm 2023, mặc dù tình hình trong nước có nhiều khó khăn, nhưng thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của NĐT nước ngoài (NĐTNN) đạt gần 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm.

Cụ thể, có 1.293 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (tăng 71,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ); có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD (giảm 57,1% so với cùng kỳ). Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 8,46 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 4,2% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 1,53 tỷ USD (giảm 51,5%) và hơn 630,6 triệu USD (tăng 54,4%). Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,3%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,6%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 42,8%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD (chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam), giảm 27,5% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 2,21 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD (chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư), tăng 53,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan...

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,27 tỷ USD, chiếm gần 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nếu xét về số dự án, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và GVMCP (65,4%).

Tính đến ngày 20/6/2023, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 1,3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm.

Việt Nam đứng thứ 25/60 quốc gia thu hút vốn FDI hấp dẫn nhất thế giới. Với thứ hạng này, Việt Nam đã vượt các nước trong khu vực Đông Nam Á về thu hút FDI, như: Indonesia, Philippines và Thái Lan, nhờ cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, nhờ quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu đầy hấp dẫn. Việt Nam đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%).

Các doanh nghiệp Nhật Bản di dời khỏi Trung Quốc không chỉ vì cuộc chiến thương mại, mà còn để “né tránh” chi phí đầu vào ngày càng tăng cao ở thị trường Trung Quốc. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Mặc dù đạt kết quả tích cực trên, nhưng việc thu hút FDI vào Việt Nam còn có một số khó khăn, hạn chế như: Thủ tục hành chính, giấy tờ xét duyệt và cấp giấy phép khảo sát chậm được triển khai đã tác động đến các hoạt động; việc phát triển dự án chậm được khởi động; thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo - những nhân tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam. Một số vướng mắc trong vấn đề thuế, ưu đãi đầu tư, chính sách thị thực ít cởi mở, hiện tượng "chảy máu chất xám" đang diễn ra cũng tác động tiêu cực tới thu hút và mở rộng đầu tư của Việt Nam...

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong thời gian tới

Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI có chất lượng trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại, thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp:

Một là, thực hiện chiến lược thu hút FDI phải gắn liền với việc tranh thủ cơ hội từ các FTA như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Riêng đối với hiệp định EVFTA tạo điều kiện để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư từ EU. Cùng với đó, chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam, các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.

Ba là, thu hút đầu tư có chọn lọc. Thu hút FDI phải lấy chất lượng làm trọng, hướng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, như: Rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Bốn là, để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghiên cứu nhu cầu, tiêu chuẩn về lao động trình độ cao của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn để nâng cao chất lượng đào tạo lao động trong nước. Tập trung đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao, như: Kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học...

Năm là, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính…

Sáu là, chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp. Công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sang… để thu hút đầu tư; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Bảy là, chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Tăng cường phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Tám là, có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam. Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
  2. Tổng cục Thống kê (2022), Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022: “kỳ vọng khởi sắc”, truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2022-ky-vong-khoi-sac-2/;
  3. Quốc Hùng (2023), Còn nhiều việc phải làm để có thể thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/con-nhieu-viec-phai-lam-de-co-the-thu-hut-dong-von-fdi-chat-luong/;
  4. Thu Trang (2023), Giải pháp hấp thụ hiệu quả vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-hap-thu-hieu-qua-von-fdi-chat-luong-cao-vao-viet-nam-post1005340.vov;
  5. Vân Phong (2023), Rào cản khiến Việt Nam khó đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/rao-can-khien-viet-nam-kho-don-nhan-dong-von-fdi-chat-luong-cao/.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023