Loạt bài "Thuế tối thiểu toàn cầu – Sẵn sàng cho sân chơi mới”
Bài 3: Cơ hội định vị lại chiến lược thu hút FDI
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), khi tham gia vào “cuộc chơi” thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ phải có các giải pháp hỗ trợ cụ thể để giữ vững vị thế điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Phóng viên: Từ ngày 1/1/2024, cùng với hơn 140 nước trên thế giới, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông, việc áp dụng luật chơi này có tác động như thế nào đối với tình trạng chuyển giá hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu với thế giới bởi lẽ chúng ta sẽ có động lực và cơ hội để thay đổi cách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng căn cơ, đúng với khả năng của chúng ta hơn. Trên thực tế, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất đi một phần sức hút nhất định và có nhiều khó khăn trong thời gian ban đầu như làm sao giữ chân nhà đầu tư nước ngoài ở lại, tìm kiếm đối tác mới ra sao...
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, ưu đãi thuế để thu hút FDI là cuộc "cạnh tranh xuống đáy". Đây chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ cũng sẽ tăng lên, qua đó cải thiện sức hút với FDI.
Đặc biệt, theo số liệu từ báo cáo năm 2021 của Bộ Tài chính là khoảng 50% doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ dù vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Trong 50% đó, liệu có bao nhiêu DN thực hiện hoạt động chuyển giá - xóa lợi nhuận ở Việt Nam đẩy ra nước ngoài? Rõ ràng có thực trạng lãi thật và lỗ giả bởi DN chuyển lợi nhuận ra những "thiên đường thuế". Các DN này vào Việt Nam nhưng không đầu tư thẳng mà đầu tư ở một nước thứ 3 - nơi có thuế suất DN thấp hoặc bằng 0 để họ chuyển lợi nhuận sang đó đóng thuế. Như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp các nước chống chuyển giá - trốn thuế, trong đó có Việt Nam.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, để giữ chân các nhà đầu tư lâu năm cũng như thu hút những nhà đầu tư mới, cần phải có các chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo ông, đó có thể là những chính sách như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo quan điểm của tôi, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ trở lại cho các DN FDI để họ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam bằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ từ nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI. Theo đó, có thể hỗ trợ bằng tiền để các DN có thể xây dựng và triển khai các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam, hoặc đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về đất đai.
Ngoài ra, có thể dùng Quỹ này để hỗ trợ các DN phụ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như Samsung, hiện nay họ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội và rất tâm huyết trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hoạt động riêng lẻ của một DN nên vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy rất cần có một nguồn vốn hỗ trợ, chính sách khuyến khích các DN phụ trợ của Việt Nam trưởng thành, nâng tầm DN để có thể bắt tay bình đẳng với các DN nước ngoài.
Hơn nữa, hiện nay đang có tồn tại một suy nghĩ là DN làm các sản phẩm phụ trợ, hỗ trợ cho các DN FDI là các DN nhỏ và vừa. Theo tôi, DN nhỏ và vừa chỉ là một phần, các DN, tập đoàn lớn hoàn toàn có thể bắt tay và tham gia vào phân khúc này.
Như vậy, Chính phủ có thể trích từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để vừa hỗ trợ các DN FDI vừa có các chính sách hỗ trợ DN trong nước để nâng cao được vị thế, gia tăng liên kết và tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là Chính phủ phải có cách để thay đổi các chính sách, tư duy tạo môi trường đầu tư tốt hơn để giữ chân được các DN FDI đang đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục thu hút các DN FDI mới đặc biệt là các DN FDI công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam.
Bởi từ những số liệu về thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian qua có thể nhận thấy, hiện các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á như là Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư khá nhiều vào Việt Nam. Nhưng các nước có trình độ phát triển rất cao như EU, Mỹ lại đầu tư vào Việt Nam rất hạn chế. Để làm được điều này thì Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư một cách cơ bản, chứ không thể mãi phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi về thuế.
Phóng viên: Vậy để khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm “dừng chân”, Việt Nam cần phải làm những gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Thực tế chứng minh Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ Việt Nam là một quốc gia có lợi thế chính trị ổn định. Cùng với đó, những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các FTAs với rất nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng. Chính việc thực thi các cam kết FTA đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách cơ chế mới để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiêp trong và ngoài nước, qua đó tăng cường và đẩy mạnh việc thu hút FDI vào Việt Nam.
Đồng thời, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa thông qua việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan và dành cho nhau những ưu đãi về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán không chỉ mở ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho các DN Việt Nam, mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Với những cam kết đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa có xuất xử Việt Nam ngày càng tăng lên, do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đổ dồn về Việt Nam để tận dụng cơ hội này. Từ đó, có thể khẳng định, việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA đã và sẽ tạo điều kiện cũng như mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút FDI không chỉ từ các nước đối tác FTA mà còn từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Phóng viên: Xin cảm ơn vì những chia sẻ của ông!