Đẩy mạnh thực thi các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Tại Quyết định số 1991/QĐ-BTC về kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính năm 2024, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo không quy định thủ tục hành chính tại các thông tư của Bộ Tài chính (trừ trường hợp được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao), không ban hành các thủ tục hành chính mới khi không cần thiết.
Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tổ chức rà soát, phê duyệt, thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước đối với 03 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thống kê, công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, chính xác, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; Thống kê, công bố, công khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện các chỉ số thuộc lĩnh vực tài chính trong đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp với các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan rà soát, phê duyệt và thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc quy định về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.