Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường giúp vải thiều thoát cảnh “được mùa, mất giá”

Thanh Sơn

(Tài chính) Ngày 16/6/2014, tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện “Bản ghi nhớ về phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản” giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai Bộ đã phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hải Dương tổ chức “Hội nghị vùng Đông – Tây Nam bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014”. Đây không chỉ là hoạt động thường xuyên nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều đối với hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước mà còn nhằm đẩy mạnh hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: FinancePlus.vn

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2013, với tổng diện tích trồng vải khoảng 42.000 ha, sản lượng tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đạt khoảng 176.000 tấn quả tươi. Trong đó, diện tích vải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap khoảng 7.532 ha, sản lượng đạt khoảng 35.260 tấn.

Thống kê cũng cho thấy, tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm đến khoảng 60% sản lượng (thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam) trong khi xuất khẩu quả tươi, qua chế biến chiếm khoảng 40% sản lượng, trong đó chủ yếu là các thị trường Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Dự kiến năm 2014, sản lượng tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt 190.000 tấn quả tươi (tăng khoảng 13,6%, tương ứng 24.000 tấn), trong đó Bắc Giang có sản lượng đạt 140.000 tấn và Hải Dương khoảng 50.000 tấn. Trong thời gian qua, bất chấp ảnh hưởng từ những căng thẳng trên biển Đông, mọi hoạt động thu mua đến nay vẫn bình thường. Hiện có khá nhiều các tiểu thương Trung Quốc đến tận Bắc Giang và Hải Dương để thu mua vải thiều. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn hiện hữu, khiến người trồng vải không khỏi lo lắng.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước, cụ thể như: chương trình xúc tiến thương; mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; các hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2014; các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian làm công tác thông quan hàng hóa; các cơ quan kiểm dịch tại khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch thực vật đối với vải thiều xuất khẩu; tăng cường công tác an ninh, trật tự trên địa bàn cho thương nhân thu mua vải thiều; cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với việc vận chuyển vải thiều, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường.

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đầu ra đối với mặt hàng vải thiều. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ thiên tai do thời tiết ấm trong vụ đông xuân đối với cây vải; có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho vay với lãi suất phù hợp đối với cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ vải. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nhằm đẩy nhanh việc tiêu thụ vải cho nông dân; Hỗ trợ hoạt động tìm kiếm thị trường và đối tác tiêu thụ; Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải tỉnh Hải Dương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có biện pháp ngăn chặn những thông tin gây thất thiệt, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng các tỉnh có biên giới với Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh) tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh Hải Dương để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong giải quyết các thủ tục hành chính, vận chuyển và tiêu thụ vải cũng như thông tin kịp thời về khó khăn của đối tác Trung Quốc trong công tác tiêu thụ để người nông dân biết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra…

Trong khi đó, ngoài việc đồng quan điểm với tỉnh Hải Dương về công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho tỉnh Bắc Giang về giống, hỗ trợ chuyển giao các quy trình chăm sóc để kéo dài thời gian sinh trưởng và nâng cao chất lượng quả vải thiều, đảm bảo tiêu chuẩn VietGap; tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho vải thiều. Riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bắc Giang kiến nghị chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch tại các khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng vải thiều xuất khẩu. Ngoài ra, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét và cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với vận chuyển hàng nông sản, đặc biệt là quả vải thiều, tránh tình trạng ùn tắc, gây bất lợi tới giá cả và chất lượng sản phẩm…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp thu mua, các Ban quản lý chợ đầu mối tại các tỉnh phía Nam cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp giúp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Theo đại diện Ban quản lý chợ Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), các cơ quan chức năng cần đề nghị các viện nghiên cứu để làm sao có thể giữ và kéo dài được màu của vải thiều, từ đó mới tính đến chuyện xuất khẩu đến các thị trường ngoài nước. Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản lý chợ Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, do chưa tìm kiếm được các thị trường xuất khẩu mới, trong khi thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, thì thị trường trong nước rất quan trọng. Để vải thiều đến với người tiêu dùng, cần tính đến việc đẩy mạnh các kênh phân phối như chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn…

Tiếp sau hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết biên bản giữa các Sở Công Thương về việc hỗ trợ tiêu thụ quả vải và Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận tiêu thụ quả vải thiều giữa đại diện lãnh đạo các huyện Lục Ngạn, huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh với các đầu mối tiêu thụ quả vải (siêu thị, chợ đầu mối…).