Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục Hải quan
Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2016 đối với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thủ tục của ngành Hải quan.
Theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA), Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt ra yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng theo VLA năm 2016, thời gian làm thủ tục hàng hóa xuất khẩu vẫn còn cao, lên tới 108 giờ và 138 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thời gian còn cao rõ ràng không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ngành hải quan, bởi thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá 1 ngày làm việc. Thời gian còn lại thuộc về DN và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa.
Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương cho rằng, để giảm thời gian thông quan, việc cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề mấu chốt, nếu không có cố gắng của ngành hải quan sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Để khắc phục những vấn đề tồn tại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, cơ quan Hải quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: Tiếp tục chuẩn hóa quy định pháp luật theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện; chú trọng đào tạo và thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật cán bộ công chức hải quan, có chế tài xử lý đối với việc thực hiện sai quy định chung.
Cơ quan hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình thủ tục, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại - quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng sẽ chú trọng tuyên truyền tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho những DN nhỏ và vừa trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Bởi, đây là đối tượng DN dễ bị tác động, dễ tổn thương khi thực hiện các quy định của pháp luật.