Đẩy mạnh ứng dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Bắc Giang
Phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất ngoài thực hiện mục tiêu lợi nhuận còn phải cân bằng lợi ích cộng đồng, lợi ích môi trường và lợi ích xã hội. Việc sử dụng kế toán xanh được coi là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, tăng uy tín và vị thế của doanh nghiệp trong xu thế cạnh tranh toàn cầu mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia một cách bền vững. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, việc ứng dụng kế toán xanh vẫn chưa nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, do vậy cần phải có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Hiện nay, khi môi trường đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khái niệm kế toán xanh nổi lên như một giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) quản lý tài chính hiệu quả mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của Đất nước. Kế toán xanh không chỉ là một công cụ hỗ trợ trong quá trình quản lý kế toán mà còn triển khai tư duy môi trường trong DN giúp “xanh hóa” nền kinh tế. Việc phát triển và ứng dụng kế toán xanh trở thành nhu cầu tất yếu và được xem là hướng chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững.
Trong bối cảnh thế giới chung tay bảo vệ môi trường sống, các DN sản xuất (DNSX) tại Việt Nam nói chung và DNSX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm xanh, sạch, cải thiện hiệu suất và chất lượng sản phẩm, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ hữu hiệu môi trường sống. Trong bối cảnh đó, đánh giá lợi ích của việc ứng dụng kế toán xanh trong các DNSX, từ đó đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng kế toán xanh trong các DNSX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Khái quát các quan điểm về kế toán xanhtrong các doanh nghiệp sản xuất
Năm 1971, lần đầu tiên thuật ngữ “Kế toán xanh” được biết đến bởi nhà nghiên cứu Parker. Năm 1972, kế toán xanh được hình thành và phát triển ở Mỹ, sau Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom (Thụy Điển). Sau đó ngày, càng nhiều DN của Mỹ đã đưa kế toán xanh vào thực hiện các dự án đầu tư cho công nghệ môi trường. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xu thế kinh tế xanh, kế toán xanh ngày càng được lan tỏa mạnh và áp dụng có hiệu quả sang nhiều quốc gia như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đan Mạch, Argentina, Singapore...
Theo Bộ Môi trường của Nhật Bản, trong Chỉ dẫn kế toán môi trường năm 2005, thì “kế toán xanh là một đánh giá định lượng về chi phí và hiệu quả của DN trong các hoạt động bảo vệ môi trường”. Các DN được yêu cầu phải có hồ sơ và báo cáo có hệ thống và được hướng dẫn để duy trì mối quan hệ tích cực với môi trường sinh thái để thực hiện các hoạt động môi trường hiệu quả và năng suất. Với mục tiêu cuối cùng là hoàn thành sự phát triển bền vững. Năm 2014, Liên Hiệp Quốc đã triển khai chương trình ứng dụng mang tên “Hệ thống kế toán về kinh tế và môi trường” hay còn gọi là Kế toán xanh. Liên hiệp quốc cũng từng yêu cầu các quốc gia và tổ chức trên thế giới thực hiện việc hệ thống kế toán môi trường, để phục vụ cho việc ghi chép các dữ liệu có liên quan đến việc hoạt động kinh doanh của DN, có tác động đến môi trường.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Dương Thị Thanh Hiền (2016) chỉ ra rằng, kế toán xanh là một bộ phận của tăng trưởng xanh, do con người, vì con người, góp phần tạo sự ổn định cho nguồn lực môi trường, xã hội phát triển. Việc vận dụng kế toán xanh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi cần được thực hiện, nghiên cứu đầu tư để tạo được sự tăng trưởng bền vững. Đào Thị Thúy Hằng (2019) cho rằng, áp dụng kế toán xanh góp phần cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, đầy đủ và trách nhiệm, từ đó giúp cải thiện hình ảnh của DN đối với cổ đông, nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh. Tác giả cũng cho rằng nhận thức của DN về trách nhiệm xã hội là một trong các yếu tố có ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán xanh...
Dựa trên các quan điểm của kế toán, tác giả cho rằng: Kế toán xanh có thể hiểu là một loại kế toán ghi chép, tổng hợp và lập báo cáo cho một tổ chức, nhằm phản ánh đầy đủ các nội dung về tài sản, nợ phải trả, nguồn thu và chi phí cho môi trường xanh của một quốc gia và một DN. Mục đích của kế toán xanh và kế toán môi trường nhằm giúp các tổ chức và DN quản lý các mục tiêu môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Lợi ích của kế toán xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất
Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra nhiều lợi ích do kế toán xanh mang lại. Điển hình như nghiên cứu của Ambe, C. M. (2009) cho rằng, trong thế giới kinh doanh hiện đại, kế toán xanh được coi là một yếu tố quan trọng, góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển. Kế toán xanh giúp các DN thực hiện hài hòa giữa mục tiêu kinh tế truyền thống và mục tiêu môi trường (Rajshree và Sravani, 2017). Thực hiện kế toán xanh trong các DNSX mang lại một số lợi ích chủ yếu sau:
Một là, cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến môi trường của DN: Kế toán xanh giúp cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện về doanh thu, chi phí có liên quan đến môi trường, từ đó giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hai là, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của DN: Việc áp dụng kế toán xanh giúp các DN cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng. Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quốc tế giúp DN tạo được lợi thế thương mại, nâng cao uy tín trong cộng đồng nhờ phát triển hình ảnh “xanh”.
Ba là, góp phần tăng trưởng xanh nền kinh tế, phát triển bền vững đất nước: Thực hiện kế toán xanh, nhà quản lý trong DN thấy rõ hơn mức độ phát sinh của các loại chi phí, trong đó có chi phí môi trường, từ đó, có biện pháp, cách thức quản lý hữu hiệu chi phí và sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên và năng lượng nhằm thay đổi phương án sản xuất sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bốn là, giảm giá thành sản xuất: Việc thực hiện tốt kế toán xanh giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành sản xuất. Điều này giúp DNSX có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.
Năm là, dự báo các tác động của môi trường: Kế toán xanh giúp cung cấp các thông tin dự báo tác động của môi trường, từ đó, giúp nhà quản trị giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng, đồng thời cải thiện công tác kế toán quản trị và tài chính môi trường ở phạm vi DN.
Thực trạng áp dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp sản xuất ở Bắc Giang
Tỉnh Bắc Giang hiện có 8 khu công nghiệp gồm Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, Việt Hàn và Hòa Phú. Công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được thực hiện tốt, các khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A); lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các DN nói chung và DNSX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng luôn thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại; ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định, luôn quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những mặt tích cực mà một số DNSX đã đạt được khi ứng dụng kế toán xanh thì vẫn còn rất nhiều các DNSX khác khi triển khai áp dụng kế toán xanh gặp không ít khó khăn và thách thức. Kết quả khảo sát của tác giả cho thấy 30/40 DNSX vẫn còn xu hướng tránh né việc áp dụng kế toán xanh, hầu hết DN này đều cho rằng họ sẽ phát sinh thêm nhiều loại chi phí với quy mô ngày càng lớn liên quan đến môi trường, và bảo vệ môi trường, xử lý các tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường trong hợp đồng kinh doanh của các DN và trong triển khai các dự án đầu tư. Phần lớn các DN chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như trên tài khoản kế toán như: chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống.
Các quy định về tài chính, các chuẩn mực, các chế độ kế toán và thực tế của hợp đồng chưa cung cấp và chưa đáp ứng được những thông tin cần thiết về các chi phí liên quan đến môi trường theo các yêu cầu cho việc ra quyết định các hợp đồng và lập báo cáo tài chính. 40/40 các DNSX được phỏng vấn đều cho thấy ở DN của họ còn thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về kế toán và môi trường để có thể áp dụng kế toán xanh.
Một số giải pháp
Để đẩy mạnh việc thực hiện kế toán xanh trong các DNSX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt được hiệu quả cao, góp phần phát triển bền vững, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định mang tính pháp lý về những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường và các quy định về tài chính và kế toán môi trường.
Hai là, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán về môi trường để phản ánh trong tương lai về các khoản tài trợ của Chính phủ theo quy định của IAS 20. Chuẩn mực này sẽ giúp DN có cơ sở ghi nhận và thuyết minh giá trị khoản tài trợ, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ, khi xu hướng phát triển bền vững đã lan toả trên toàn cầu và nhiều nước lựa chọn thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, thông qua khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường với nguyên tắc phòng ngừa hơn là phạt nặng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Ba là, cần yêu cầu DN cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin kế toán tài chính xanh, kế toán môi trường cho các đối tượng bên ngoài, thể hiện trách nhiệm của DN trong hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, cần quy định tài khoản kế toán riêng để phản ánh riêng biệt đối với các tài sản môi trường và các khoản chi phí môi trường, các khoản nợ phải trả môi trường và các khoản thu nhập môi trường, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hạch toán và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính, thông tin môi trường.
Bốn là, về phía DN, cần thay đổi nhận thức trong việc vận dụng kế toán xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán để đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới; Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, đồng thời xây dựng phòng kế toán có năng lực và kinh nghiệm về kế toán xanh…
Kết luận
Kế toán xanh một lĩnh vực nghiên cứu mới tại Việt Nam và trên thế giới trong những năm gần đây nhằm định hướng các DN sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ứng dụng kế toán xanh giúp DN có thể xác định, nhận diện chi phí môi trường một cách đầy đủ, thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, giúp doanh bền vững. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của nhà quản trị DN trong việc dự báo và đánh giá các tác động đến môi trường sẽ có đóng góp quan trọng vào sự thành công của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tài liệu tham khảo:
- Dương Thị Thanh Hiền (2016), kế toán xanh và kế toán môi trường - Một số quan điểm hiện đại, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán 4/2016;
- Đào Thị Thúy Hằng, (2019), Ứng dụng kế toán xanh ở Việt Nam và một số vấn đề dặt ra, Luật Môi trường năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005;
- Asheim, G. B. (1997), Adjusting green NNP to measure sustainability. The Scandinavian Journal of Economics, forthcoming;
- Ambe, C. M. (2009), Linkages of sustainability and environmental management accounting, Innovation for Sustainability in a Changing World, 36.