Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Tăng thu nhập cho nông dân


Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) triển khai tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời cho rằng, nông dân sẽ được hưởng lợi bằng việc tăng thêm thu nhập khoảng 20% thông qua các phương án sản xuất hiện đại, liên kết chuỗi giá trị….

Vùng lúa chất lượng cao của tỉnh Hậu Giang tới đây sẽ được mở rộng để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ảnh: H.Thu
Vùng lúa chất lượng cao của tỉnh Hậu Giang tới đây sẽ được mở rộng để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ảnh: H.Thu

Có 12/13 tỉnh đăng ký đề án

Ông Li Gou - chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam nhận định, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới đang tăng lên, giá cả khá tốt; đây là điều kiện thuận lợi cho các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam tăng cường cung ứng gạo ra thế giới. Thuận lợi là vậy, song nếu nhìn toàn diện thì thời gian qua nông dân trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL thu nhập chưa như mong muốn, còn khá ít hộ giàu lên từ cây lúa…

Nguyên nhân do lợi nhuận mà cây lúa mang lại chưa bằng cây ăn trái hay nuôi thủy sản; ngoài ra việc sản xuất dạng nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến, thiếu liên kết chuỗi giá trị, thiếu thương hiệu, được xem là những hạn chế trong sản xuất lúa gạo thời gian qua. Vì vậy, đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao đang được Bộ NN&PTNT triển khai là cơ hội tốt để tái cơ cấu, tìm hướng đi mới cho lúa gạo vùng ĐBSCL.

Tính đến nay, có 12/13 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia đề án với định hướng tới năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu ha. Trong đó, An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp là những tỉnh đăng ký diện tích tham gia nhiều nhất…

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã có văn bản đăng ký thực hiện đề án với diện tích đến năm 2025 là 100.000ha và năm 2030 là 200.000ha. Trước mắt, trong năm 2024 sẽ làm ngay từ 60.000-82.000ha, đây là những diện tích đang sản xuất lúa chất lượng cao trong vụ Đông xuân 2022-2023 khá hiệu quả, bởi có sự liên kết bao tiêu của khoảng 21 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, bộc bạch: “Ngay trong năm 2024, chúng tôi sẽ tham gia đề án này từ 60.000-80.000ha, tất cả diện tích đều đảm bảo về cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho sản xuất, đồng thời đã có doanh nghiệp đầu tư bao tiêu trong những năm qua. Tới đây sẽ tập huấn, nâng chất lượng hoạt động của 210 hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đề án…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho hay, tỉnh đã đăng ký thực hiện đề án 60.000ha vào năm 2025 và nâng lên 120.000ha vào năm 2030. Toàn bộ diện tích này đều được cơ giới hóa, có 32 hợp tác xã đang hoạt động và 29 doanh nghiệp tham gia thu mua cho nông dân…

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL; từ đó nhanh chóng tổ chức lại sản xuất hiện đại. Song song đó, phải củng cố và phát triển các hợp tác xã đủ mạnh, nhằm liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm, có như vậy mới thành công được.

Trong định hướng tới đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng cánh đồng lớn, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sử dụng các giống lúa tốt, vừa có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu của từng mùa vụ trên từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường việc cơ giới hóa trong sản xuất.

Theo đó, sẽ ổn định diện tích 77.200ha đất lúa, với diện tích gieo trồng 190.200ha; năng suất bình quân cả năm 6,35 tấn/ha; đảm bảo sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm. Đặc biệt là mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000ha theo tiêu chí cánh đồng lớn tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, trong đó có từ 10.000ha sản xuất, chế biến chuyên theo đơn đặt hàng của thị trường đặc thù cao cấp…

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Theo dự kiến, đề án này sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4-2023 và được chính thức triển khai từ năm 2024. Để công việc không bị động, trước mắt Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh thành ĐBSCL rà soát lai diện tích 184.000ha lúa nằm trong dự án VnSAT (một dự án lớn về lúa gạo ở ĐBSCL, do WB tài trợ) về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, hợp tác xã, bao nhiêu diện tích đã có doanh nghiệp bao tiêu, bao nhiêu diện tích chưa bao tiêu và cần mời thêm doanh nghiệp tham gia… nhằm đưa toàn bộ diện tích này vào thực hiện sớm cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Sau đó, mở rộng thêm diện tích một cách phù hợp theo từng năm.

“Chúng ta phải làm ngay từ diện tích ít, có thể lúc đầu dao động khoảng 200.000ha, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, chứ không trông chờ khi đăng ký đủ 1 triệu ha mới thực hiện. Vấn đề là làm chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả thì có thể tới đây xem xét mở rộng thêm hơn 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL cũng rất tốt…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Dự án VnSAT nằm trong chiến lược hợp tác quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố tại 2 vùng có 2 loại cây trồng chủ lực là cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên và cây lúa ở vùng ĐBSCL. Tại vùng ĐBSCL có 8 tỉnh, thành phố với diện tích thực hiện 200.000ha đất sản xuất lúa và có khoảng 140.000 hộ dân tham gia. Tổng nguồn vốn cho dự án hơn 6.600 tỉ đồng.

Tại Hậu Giang, sau khi được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục là một trong 8 tỉnh trồng lúa của vùng ĐBSCL được hỗ trợ triển khai dự án, lãnh đạo địa phương đã xác định đây là dự án quan trọng đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh. Bởi khi dự án được triển khai sẽ từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính vì vậy, khi được tiếp nhận dự án, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý dự án VnSAT của tỉnh để triển khai các công việc trước mắt, cũng như vạch ra những việc làm cụ thể cho từng năm của cả giai đoạn.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hậu Giang, mục tiêu của dự án là góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt, khi kết thúc dự án, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ cố gắng tạo ra thương hiệu gạo cho Việt Nam.

Ông Li Gou - chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam đánh giá, thời gian qua ở các địa phương ĐBSCL có kinh nghiệm sản xuất lúa gạo khá tốt, nhất là thực hiện dự án VnSAT rất hiệu quả, đây là tiền đề để xây dựng thành công đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL. Vì vậy, WB tin rằng đề án lần này sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân thêm khoảng 20% qua cải thiện về phương án sản xuất nhằm năng suất, chất lượng và giảm chi phí giá thành.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng được nâng cao; đặc biệt là tình trạng ô nhiễm và khí thải sẽ được giảm thiểu, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi… Từ những dấu hiệu tích cực đó, WB sẵn sàng và mong muốn tham gia tích cực vào đề án này.

Trong khi đó, ông Animesh -  chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của WB (tại Hoa Kỳ), chia sẻ thêm: “Lúa là cây trồng chủ lực và truyền thống của nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua; vì vậy chúng tôi rất quyết tâm cùng Bộ NN&PTNT phát triển đề án này nhằm tăng thu nhập cho nông dân ĐBSCL. Đây là cách tốt nhất để phát triển cây lúa bền vững và đảm bảo an ninh lương thực…”.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, nếu so với mô hình cánh đồng lớn trước đây thì đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao lần này thuận lợi hơn, bởi cơ sở hạ tầng hiện nay được đầu tư cơ bản, nông dân cũng chuyển đổi từ sản xuất tự phát sang tự giác và có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ.

Ngoài ra thị trường gạo thế giới khá tốt nên chúng ta không quá lo về thiếu đầu ra. Vấn đề là tổ chức lại sản xuất bài bản, đảm bảo chất lượng hạt gạo đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau trên thế giới với giá cả hấp dẫn. Làm được việc này cần có “nhạc trưởng” điều phối cho toàn vùng ĐBSCL một cách nhịp nhàng, ăn ý; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

 

Mục tiêu quan trọng của đề án là tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa; đồng thời xây dựng thương hiệu gạo, tăng tính cạnh tranh trên thế giới. Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao lần này cũng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh…

Theo H.Tân - H.Thu/ Báo Hậu Giang