“Đề bài khó” cho hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp


Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy giai đoạn 2 phức tạp hơn rất nhiều, khi chuyển từ mô hình 3 cấp chính quyền sang 2 cấp. Sự thay đổi này tác động mạnh mẽ đến hệ thống pháp luật…

“Thời gian qua, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu cho Đảng ủy Chính phủ và Đảng ủy Quốc hội xây dựng các đề án quan trọng, như: Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế phục vụ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, khi vừa chủ trì cuộc họp thảo luận về giải pháp hoàn thiện pháp luật từ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo ông Ninh, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy giai đoạn 2 phức tạp hơn rất nhiều, khi chuyển từ mô hình 3 cấp chính quyền sang 2 cấp. Sự thay đổi này tác động mạnh mẽ đến hệ thống pháp luật, không chỉ theo chiều ngang, mà còn theo chiều dọc, khiến gần như toàn bộ hệ thống pháp luật phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, do thời gian gấp rút theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, nên việc sửa đổi, bổ sung cụ thể toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động theo quy trình thông thường khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, cần có những phương án linh hoạt, phù hợp để đảm bảo vận hành bộ máy hành chính không bị gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần được rà soát và thiết kế lại để phù hợp với sự thay đổi này. Các bộ, ngành đều phải rà soát, tham mưu điều chỉnh các quy định trong phạm vi quản lý của mình. Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng phải có hướng đi rõ ràng, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường của bộ máy sau khi sắp xếp.

Theo tư lệnh ngành Tư pháp, lần này chúng ta không chỉ tổ chức lại bộ máy, mà còn phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Do đó, cần làm rõ những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các bộ, chính quyền địa phương, tránh việc sửa đổi chồng chéo, gây khó khăn trong thực hiện…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu đề cập đến tiến độ, kết quả rà soát các văn bản dự kiến cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo định hướng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời cho ý kiến về lộ trình ban hành văn bản phân định lại thẩm quyền của chính quyền địa phương...

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 và Kết luận số 129-KL/TW ngày 10/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Báo cáo hoàn thiện thể chế phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…