Ngành Hải quan:
Để cán đích chỉ tiêu thu ngân sách 293.000 tỷ đồng
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế đến ngày 31/3/2018, thu ngân sách nhà nước của toàn Ngành đạt 68.027 tỷ đồng, bằng 24,04% dự toán, đạt 23,2% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 2,16% so với cùng kỳ 2017. Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 293.000 tỷ đồng, ngành Hải quan đã và đang vào cuộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Kết quả trên là nỗ lực lớn của ngành Hải quan, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức từ ảnh hưởng của các Hiệp định tự do thương mại, các nghị định, chính sách mới.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ chỉ đạo các Cục hải quan tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018; Cùng với đó, ban hành Quyết định số 866/QĐ-TCHQ ngày 23/3/2018 về việc giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng Cục hải quan tỉnh, thành phố.
Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị đẩy mảnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác định trị giá, phân loại, xuất xứ hàng hóa và tích cực kiểm tra các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định.
Với chỉ tiêu thu ngân sách 293.000 tỷ đồng, trong những tháng còn lại của năm 2018, ngành Hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp pháp tăng thu ngân sách.
Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao; Tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới.
Cụ thể như: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Đề án thu thuế và thông quan 24/7… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu NSNN;
Tập trung chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm.
Thực hiện rà soát cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để phát hiện, kịp thời có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn phân loại thống nhất đối với các trường hợp áp dụng mã số, mức thuế không đúng quy định. Trong đó, tập trung việc kiểm tra, rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần đáp ứng các điều kiện để được áp dụng mức thuế ưu đãi, ưu đãi đặc biệt...
Rà soát công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của Pháp luật thuế. Phát hiện sai sót, vi phạm trong công tác miễn, giảm, hoàn thuế trong đó tập trung kiểm tra các dự án, các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế khắc phục những sơ hở bất cập trong thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành trong đó cần tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp/từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế...
Nắm chắc tình hình nợ thuế của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo đến 31/12/2018 đạt 100% chỉ tiêu giao.