Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018:

Để doanh nghiệp trở thành động lực tăng trưởng

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua nêu rõ: Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng. Như vậy, tại Nghị quyết số 01/2018 dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành đầu năm tới phải có các giải pháp mạnh mẽ, tập trung để thực hiện “đề bài” do Quốc hội đặt ra.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh. Nguồn: Internet
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh. Nguồn: Internet

Một đề bài mới 

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ được công bố trong một vài ngày tới, sau khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Nhưng có lẽ “đề bài” Quốc hội đặt ra cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2018 đã có thể nhìn rõ ngay từ khi các Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết này.

Nhìn vào Nghị quyết có thể thấy, công tác điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ vẫn dành trọng tâm cho yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chứ không phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá. Vì rằng, khi chạy theo tăng trưởng cao sẽ khó có thể thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện 3 đột phá chiến lược - một trong những nhiệm vụ tiếp tục được Quốc hội đặt ra với Chính phủ năm 2018.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đưa ra những yêu cầu tương tự như với năm 2017, song rất quan trọng với quá trình phát triển của đất nước, gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội… Tất nhiên, yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế…  cũng tiếp tục được đặt ra.

Bên cạnh những yêu cầu mang tính nguyên tắc, Nghị quyết của Quốc hội lần này đưa ra một “đề bài” khá mới, đó là khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đề bài này của Quốc hội có lẽ không chỉ được hiểu đơn thuần là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hay phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước.

Yêu cầu “thúc đẩy tăng trưởng” được đưa ra ở vế sau rõ ràng là hướng Chính phủ tìm những giải pháp, biện pháp để dần chuyển động lực tăng trưởng từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu này được xếp thứ hai, sau mục tiêu xuyên suốt của giai đoạn phát triển 2016 - 2020 là “giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế”. 

Giữ tinh thần hồ hởi của doanh nghiệp

Kết quả tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm, cộng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới. Song không khó để nhận thấy vì sao Quốc hội đưa ra đề bài này cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách 2018.

Khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, chưa có cơ sở nào để khẳng định động lực tăng trưởng cho năm 2017 sẽ được giữ vững. Thậm chí, dù kinh tế tăng trưởng cao hơn, song Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) vẫn lo ngại, khi gần 60% doanh nghiệp trong nước làm ăn không có lãi, và số doanh nghiệp giải thể cũng không nhỏ. 

Các Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra thực tế, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 được vực dậy nhờ thu hút lượng vốn đầu tư FDI vượt xa kỳ vọng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây cũng là khu vực có đóng góp thấp nhất cho ngân sách, đưa vào công nghệ lạc hậu, gây cạn kiệt tài nguyên, sử dụng nhân công rẻ, để lại hệ lụy môi trường và mất công bằng về ưu đãi đầu tư. Vì thế, “cơn địa chấn” thu hút vốn đầu tư FDI năm 2017 không chỉ đem đến niềm vui, mà còn để lại nỗi lo âm ỉ của nhà quản lý, chuyên gia kinh tế về dư địa tăng trưởng thời gian tới.

Trước thực tế này, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định, hiện không còn cách nào khác, ngoài việc phải sẵn sàng cho cuộc đua tăng cường nội lực của nền kinh tế. Và nếu không có định hướng rõ ràng để thực hiện mục tiêu nêu trên, dù có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, thì cũng chỉ tạo thay đổi về lượng, mà thiếu bền vững về chất.

Để thực hiện đòi hỏi này, Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giữ luồng sinh khí hồ hởi khởi nghiệp, đầu tư sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Luồng sinh khí này được hình thành sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cho phát triển nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của Thủ tướng Chính phủ. 

Việc tạo điều kiện nuôi dưỡng khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành nguồn lực chủ yếu cho tăng trưởng cũng chính là thực hiện đề bài mới được Quốc hội đặt ra cho Chính phủ. Nhận thức rõ yêu cầu này, tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt với công tác xây dựng dự thảo Nghị quyết 01/2018 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo chương trình, dự thảo Nghị quyết 01/2018 sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương vào cuối tháng 12 này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và triển khai ngay những ngày đầu năm tới. Hy vọng rằng Nghị quyết này của Chính phủ đáp ứng kỳ vọng của Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.