Để giám sát doanh nghiệp nhà nước vừa rộng vừa sâu

ThS Hoàng Thị Hải Yến

TCTC Online - Câu chuyện Vinashin, Vinalines và những con số nợ “khổng lồ” của các doanh nghiệp nhà nước được công bố trong thời gian gần đây đã gây quan ngại về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này. Lúc này câu chuyện giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lại được đề cập như một bài toán khó.

Thất thoát không hẳn chỉ vì luật

Sau những sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) và Tập đoàn Hàng hải (Vinaline) một số ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do pháp luật về DNNN còn những khoảng trống nên đã không ngăn chặn được các sai phạm, giám sát chỉ mới làm công tác hậu kiểm…

Ý kiến cũng không phải không có lý. Vì thế, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, Quy chế giám sát tài chính DNNN. Mục đích các văn bản pháp luật này là khắc phục những hạn chế trong quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và công tác giám sát DNNN. Tuy nhiên, đối với những sai phạm ở Vinashin, Vinaline, không hẳn do những khoảng trống pháp luật đó mà ra. Vấn đề ở đây là do những cá nhân được giao đại diện vốn chủ sở hữu cố tình làm trái pháp luật, sử dụng vốn nhà nước không hợp lý gây thất thoát.

Về khía cạnh pháp luật, Luật DNNN trước kia trao cho HĐQT một số quyền và trong một số trường hợp đã có sự nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu nhà nước với quyền của HĐQT DNNN những người đại diện cho chủ sở hữu là một. Điều này đến lúc cần phải nhìn nhận rõ để thực hiện cho đúng. Hiểu đúng vấn đề thì HĐQT trước kia và HĐTV hiện nay là những người làm thuê cho nhà nước. Do đó, với những quyết sách quan trọng phải xin ý kiến của chủ sở hữu hoặc những người được chủ sở hữu uỷ quyền. Khác với tư nhân, chủ sở hữu và HĐTV là một, họ được quyết những vấn đề quan trọng như Luật DN đã quy định. Trong các DNNN, vai trò chủ sở hữu là nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ký hợp đồng giao cho hội đồng thành viên. Nên vốn được giao, DNNN không thể dùng bừa bãi, gây thất thoát được.

Củng cố giám sát nội bộ, gia cố nhiều tầng

Điều đáng nói ở đây là giám sát nội bộ DN có vấn đề, do vậy Dự thảo Quy chế giám sát tài chính DNNN đã gia cố các quy định này. Theo đó, quy chế giám sát lần này đã phân định rõ mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện giám sát tài chính. Theo đó sẽ quy định rõ chức năng nhiệm vụ giám sát ở cả ba cấp: Đối với doanh nghiệp; Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp; Đối với cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp.

Trong đó, đối với doanh nghiệp: HĐTV, ban điều hành doanh nghiệp thông qua bộ phận tài chính kế toán, Ban Kiểm soát nội bộ có trách nhiệm tổ chức việc tự giám sát nội bộ doanh nghiệp mang tính chất thường xuyên, đột xuất theo ngày, tuần, tháng, quý, năm tuỳ theo tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Thông qua tự giám sát để có những điều chỉnh, biện pháp tự chấn chỉnh về quản lý tài chính nói riêng, quản trị doanh nghiệp nói chung để đưa tài chính doanh nghiệp luôn trong trạng thái an toàn.

HĐTV, ban điều hành doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện giám sát hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đã góp vào doanh nghiệp khác.

Kiểm soát viên do chủ sở hữu bổ nhiệm có nhiệm vụ giúp chủ sở hữu thực hiện công tác giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và giám sát tài chính doanh nghiệp.

Tất cả việc giám sát kể cả từ nội bộ hay bên ngoài doanh nghiệp đều phải đảm bảo mục tiêu: là qua kết quả giám sát phải đánh giá được thực trạng tài chính của doanh nghiệp, những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến rủi ro tài chính. Từ đó, đưa ra được những cảnh báo từ phía cơ quan quản lý nhà nước, những biện pháp từ chủ sở hữu và những hoạt động, giải pháp ngăn ngừa của doanh nghiệp để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh. Về cơ bản, quy chế lần này khá đầy đủ toàn diện, vấn đề còn lại và quan trọng nhất là con người thực hiện.

Do vậy, điểm mới trong quy chế giám sát lần này là bổ sung các tổ chức, cá nhân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp hoặc giao thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác. Theo đó, dự thảo Quy chế đưa ra các chế tài xử lý cụ thể khi người quản lý doanh nghiệp (người đại diện), chủ sở hữu (Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính) và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm về giám sát tài chính doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài 2 năm không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp bị xem xét kỷ luật mà chủ sở hữu doanh nghiệp (cơ quan đại diện chủ sở hữu) cũng bị xem xét trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước về giám sát đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp bị xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp. Đi đôi với hệ thống chế tài, các hình thức khen thưởng về tinh thần và lợi ích kinh tế cũng phải thiết lập phù hợp.

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách quy định về việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; quy định về việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước và cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các yêu cầu đã nêu trên.

Ngoài ra, Quy chế đưa ra cũng tập trung giám sát chặt chẽ vào những chỗ nào có khả năng xảy ra sai phạm, thất thoát như các danh mục đầu tư, dự án đầu tư, các vấn đề về quy định vốn. Nhất là việc phải có vốn đầy đủ rồi thì mới triển khai dự án. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, trong quy chế, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ ngành, UBND tỉnh nghiên cứu để giám sát. Như ngành xây dựng, hàng hải cũng phải có những đặc thù riêng nên cần thiết phải có quy chế giám sát chỉ tiêu kỹ thuật của mình. Tàu bè hết hạn sử dụng mà vẫn mua thì sẽ phải theo chỉ tiêu kỹ thuật của ngành chứ bộ Tài chính chỉ giám sát về dòng tiền. Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp tin tưởng: Nếu có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, các bộ trong việc giám sát khi sử dụng vốn nhà nước cũng như triển khai các dự án đầu tư thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được thất thoát cũng như sai phạm như ở Vinaline, Vinashin.

Trường hợp DN bị giám sát đặc biệt

Trong trường hợp đặc biệt thì sẽ áp dụng phương án đặc biệt. Theo đó, doanh nghiệp có thể được đặt vào tình trạng giám sát đặc biệt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định; Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ luỹ kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5%; Báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính của doanh nghiệp làm sai lệch lớn đến kết quả kinh doanh.

Căn cứ vào báo cáo giám sát của doanh nghiệp hoặc qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toá và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp, chủ sở hữu sẽ ra quyết định giám sát tài chính đặc biệt đối với doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp bị mất an toàn tài chính mà bị giám sát đặc biệt thì ngoài việc phải nộp báo cáo theo 06 tháng và hàng năm, HĐTV còn phải nộp báo cáo định kỳ hàng quý, và nộp báo cáo bất thường theo yêu cầu của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt mà sau 02 năm liên tục (kể từ thời điểm có quyết định giám sát đặc biệt) hoạt động sản xuất kinh doanh không còn lỗ, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát sẽ được đưa ra khỏi danh sách giám sát đặc biệt. Doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt sau 02 năm liên tục vẫn thua lỗ thì phải thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản.