Thoát khỏi quan hệ lệ thuộc về thương mại với Trung Quốc:

Để không tự làm yếu mình

Theo baodatviet.com

(Tài chính) Nếu Trung Quốc sử dụng những biện pháp bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam thì lúc đầu chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn nhưng điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam thức tỉnh và phải tìm cách tự cứu mình.

Không thể để hàng Trung Quốc tràn lan như thế này. Nguồn: internet
Không thể để hàng Trung Quốc tràn lan như thế này. Nguồn: internet

PGS., TS. Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại đặt giả thiết về việc Trung Quốc sử dụng những biện pháp về kinh tế bất lợi trước thực trạng hàng Việt Nam từ nông sản, thủy sản, lúa gạo đến tài nguyên khoáng sản đều xuất khẩu sang Trung Quốc với giá rẻ và nhập về những sản phẩm đã qua chế biến với giá cao… thì chúng ta phải xử lý thế nào?

Đi buôn mà không quan tâm đến... lãi?

Phóng viên: Thời gian vừa qua, cá tra của Việt Nam dù chi phối thị trường vẫn bị kiện vì bán giá rẻ. Lúa gạo của Việt Nam vẫn để thương lái Trung Quốc ép giá, mặc dù trên thực tế, họ đang thiếu một lượng lớn lúa gạo và phụ thuộc vào lúa gạo Việt Nam. Đứng ở góc độ kinh tế, đây có coi là một nghịch lý không thưa ông? Phải hiểu nghịch lý này như thế nào?

PGS., TS. Nguyễn Văn Nam: Người tạo ra giá trị lớn nhất cho gạo Việt Nam là nông dân, nhưng ở khâu chế biến còn nhỏ, lẻ phân tán nên hiệu quả thấp, khâu thương mại là khâu quan trọng nhất nhưng lại lạc hậu.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã trúng thầu hợp đồng bán 800.000 tấn gạo cho Philippines do bỏ thầu thấp nhất, nhưng bây giờ nhiều công ty xuất khẩu xin trả lại hợp đồng vì xuất với giá quá rẻ, và những điều kiện khắt khe chưa có tiền lệ, khiến các DN phải đối mặt với thua lỗ.

Khâu thương mại đang bộc lộ nhiều yếu kém vì quá lạc hậu, bản thân các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ lẻ, chỉ có 2 DN lớn nhất là 2 Tổng Công ty Lương thực thì 2 Tổng công ty này vẫn đóng vai trò là cai thầu thay vì trực tiếp đi xuất khẩu.

Thương mại hiện đại đòi hỏi người quản trị DN phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thương mại để đi giao dịch với các nước, tìm thị trường lớn, nhỏ… nhưng nhân sự này ở Việt Nam lại không có. Chính vì vậy, khi làm ăn không được, DN lại đẩy thua lỗ về phía nông dân, ép nông dân phải bán lúa gạo với giá ngày càng thấp, mặc dù công sức bỏ ra nhiều. Trong chuỗi lúa gạo còn nhiều điểm bất hợp lý như nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu.

Chất lượng không phải là rào cản gây khó khăn cho hoạt động xúc tiến thương mại vì nếu làm thương mại tốt sẽ dẫn dắt người nông dân và nhà chế biến làm ra sản phẩm chất lượng cao, nhưng người làm thương mại có gì bán nấy, thậm chí bán giá thấp nhất, miễn có lời. Từ đó kéo theo hệ quả, người nông dân và nhà chế biến không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Để không tự làm yếu mình - Ảnh 1

Nhiều DN kinh doanh xuất khẩu gạo còn nhân danh vì lợi ích của nông dân,  yêu cầu Nhà nước phải bù lỗ, hỗ trợ, thực hiện chương trình trợ giá, cho vay với lãi suất thấp…

Trong hoạt động xuất khẩu với Trung Quốc, những nhà buôn của Trung Quốc cực kỳ lõi đời và am hiểu tâm lý của DN Việt Nam, nội tình hoạt động sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Cho nên Trung Quốc cứ mua giá rẻ, DN Việt Nam cứ xuất khẩu tiểu ngạch (vì vẫn có lãi), không cần thỏa thuận, đàm phán, xuất khẩu với giá cao. Đây là sự yếu kém của thương nhân Việt Nam, làm giá trị của hạt gạo đã nhỏ lại càng nhỏ, người nông dân càng làm càng thua lỗ.

Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các tài nguyên thiên nhiên như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể các DN kinh doanh trong lĩnh vực này lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí. Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ đó sẽ gây thiệt hại cho ai, và vì sao nó tồn tại được lâu đến tận hôm nay, khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã sắp hết một số loại khoáng sản?

Bất cứ sản phẩm nào ở Việt Nam mà Trung Quốc cần họ đều tìm cách để mua với giá rẻ, điều này đánh vào lòng tham của các DN vì các DN này không quan tâm nhiều đến lời lãi. Như than là điển hình, do sự quản lý lỏng lẻo và tư duy nhiệm kỳ đã khiến thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia vô cùng lớn.

Từ thực tế trên rút ra bài học…

Thị trường Việt Nam đang thực hiện chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc lạc hậu chủ yếu là Trung Quốc, điều này thể hiện sự phụ thuộc hay lệ thuộc kinh tế, thưa ông? Tư duy “bán rẻ, bán nhiều” đang chi phối nền kinh tế Việt Nam trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu lại là Trung Quốc sẽ tiềm ẩn những rủi ro nào?

Công nghiệp chế biến tầm trung bình như cơ khí, điện tử Trung Quốc đã đạt được tiến bộ và làm ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như đồ điện, đồ điện tử: quạt, điều hòa, máy lạnh… Lâu nay, hầu hết nguyên liệu linh kiện Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc (Việt Nam đã trở thành nước nhập siêu linh kiện của Trung Quốc), do Việt Nam thiếu chính sách phát triển sản xuất, không phát triển công nghiệp phụ trợ, DN trong nước thì không được ưu đãi, chỉ còn cách sang Trung Quốc mua linh kiện về lắp ráp (trong khi bên ngoài đóng dấu xí nghiệp A, B của Việt Nam nhưng bên trong lại là linh kiện của Trung Quốc).

Công nghiệp chế biến không có nên buộc người sản xuất phải bán rẻ, xuất khẩu thô cho Trung Quốc (còn do giao thông thuận tiện, 2 bên dễ móc ngoặc…). Đây là hiện tượng chung mà tất cả những nước kém phát triển đều rơi vào nhưng ở Việt Nam tình trạng này nặng nề và kéo dài hơn do không có cơ quan nhà nước nào xử lý, sửa đổi.

Những rủi ro là rất lớn như tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, công nghiệp không phát triển được, thu nhập thấp, người lao động không có việc, trong khi, việc lại bị đẩy ra bên ngoài. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu những sản phẩm thô và nhập về những sản phẩm đã qua chế biến từ A đến Z.

Dư luận đang đặt ra vấn đề là làm sao để thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế Trung Quốc, việc loại bỏ tư duy “bán rẻ, bán nhiều” cho Trung Quốc có tác động như thế nào trong mục tiêu trên? Và để làm được như vậy, giải pháp cụ thể là gì?

Nếu 2 bên tranh chấp biển Đông và xảy ra căng thẳng, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những biện pháp kinh tế gây bất lợi cho Việt Nam. Trước mắt, chúng ta sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên, theo tôi, về lâu dài thực chất là sẽ có lợi cho Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn, không còn đường lùi, các DN Việt Nam sẽ phải tìm cách sống bằng sức của mình. Việt Nam là đất nước không nhỏ với 100 triệu dân, phải xây dựng công nghiệp chế biến, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, các DN phải trở thành hạt nhân phát triển nền công nghiệp, phải đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ làm việc với 1 số thị trường như lâu nay.

Khi gặp “cái khó” người Việt Nam thường ló “cái khôn”, như người bị đòn đau tỉnh ra và tìm cách tự cứu mình. Nền kinh tế cũng như vậy, ở thế cùng sẽ phải tìm cách xoay sở, khắc phục hạn chế, vươn lên mạnh mẽ, để tồn tại và phát triển.

Lược ghi theo bài "Chính sách mua rẻ, bán rẻ: Ngấm đòn đau, Việt Nam có tỉnh?"
đăng trên baodatviet.com