Để lãi suất điều chỉnh theo cung cầu
Chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) luôn được nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất đã về mức khá thấp trong khi huy động vốn của ngân hàng (NH) gặp nhiều khó khăn, nên yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất được đánh giá không còn bức thiết.
Hơn nữa, về lâu dài lãi suất nên để thị trường quyết định thay vì áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính.
Bài toán khó giảm lãi suất
Tăng trưởng quý III/2017 có sự đột phá đã giúp GDP 9 tháng tăng 6,41%, là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017. Đáng chú ý tăng trưởng GDP này có được nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ, không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.
Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu NHNN phải điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Như vậy, thay vì sức ép tăng tín dụng, ngành NH đang đứng trước việc phải giảm lãi suất những tháng cuối năm.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM có vốn nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ ở mức 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Xét về chênh lệch đầu vào và đầu ra, hiện nay tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các NHTM không quá cao. Một số báo cáo đưa ra gần đây cũng nhận định hệ số NIM của hệ thống NH đang theo xu hướng giảm. Năm 2013, NIM ở mức 3,07% và đến cuối năm 2016 chỉ còn 2,69%. Năm nay, hệ số NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm rất lớn do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra giảm.
Bởi ngành NH được yêu cầu tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực này đã được điều chỉnh giảm 0,5%. Theo chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện nay, khi cho vay các NH chỉ hưởng chênh lệch 1,4-2,5%.
Hiện vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhiều NH đang bám sát ngưỡng quy định, không còn dư địa để mở rộng, nên cho vay trung và dài hạn cũng không còn được hưởng chênh lệch lãi suất lớn. Cầu vốn cuối năm luôn tăng và để có thanh khoản dư dả đáp ứng nhu cầu này các NH không thể giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn lần lượt ở mức 4,25%/năm và 6,25%/năm, vẫn ở mức cao. Do đó, giảm lãi suất cho vay đang là thách thức lớn đối với các NHTM.
Hướng đến tự do hóa lãi suất
Theo số liệu báo cáo của NHNN, sau khi triển khai chủ trương của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, lãi suất áp dụng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng thấp hơn hơn 0,5-1%/năm, lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn các lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó.
Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã rất hợp lý nên bàn đến việc giảm hay không giảm lãi suất không còn cần thiết. Trên mặt bằng hiện tại, khi cho vay tùy mỗi khách hàng NH sẽ ứng xử về lãi suất khác nhau.
Theo đó, lãi suất được các NH xác định trên cơ sở cân đối nguồn vốn và tuân thủ theo nguyên tắc rủi ro tín dụng. Với DN lãi suất là một bộ phận cấu thành chi phí hoạt động. Trong điều kiện hiện tại lãi suất cho vay đã về mức thấp nên để kinh doanh có lãi, DN phải tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, không thể đặt quá nhiều sức ép lên lãi suất.
Thực chất hiện nay chỉ những DN chất lượng tín dụng chưa cao mới phản ánh khó tiếp cận vốn NH hoặc lãi suất vay quá cao. Trong khi các DN có chất lượng tín dụng tốt, nhiều NH chấp nhận chào vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất tiền gửi. NH là tổ chức kinh doanh, nguồn vốn phải phân bổ cho những DN họ cảm thấy an tâm nhất, hiệu quả nhất, nếu rủi ro cao phải chấp nhận lãi suất.
Vì vậy, lãi suất nên để thị trường quyết định là phù hợp nhất. Về lâu dài, cơ quan điều hành nên tiến đến việc tự do hóa lãi suất, thay vì áp dụng mệnh lệnh hành chính. Lãi suất được tự do hóa sẽ do thị trường quyết định, đảm bảo có sự điều chỉnh chủ động theo cung cầu của thị trường, đảm bảo phân bổ tiền tệ và tín dụng tối ưu trên cơ sở lãi suất, mức độ rủi ro và lợi nhuận thu được.
Nhìn rộng ra trên thế giới, hầu như không NH Trung ương nào đủ khả năng phân bổ và kiểm soát lãi suất hiệu quả cho hàng triệu nhu cầu vay vốn khác nhau. Trong môi trường lãi suất tự do hóa, các NH sẽ phải chủ động cân bằng cung cầu tiền tệ và tín dụng, từ đó tạo ra cơ chế kiểm soát tiền tệ hiệu quả và không cần thêm công cụ kiểm soát nào khác. Tính công bằng vẫn được đảm bảo vì khi đó NH nào không điều chỉnh tốt sẽ bị thị trường loại bỏ.