Để ngành logistics tăng trưởng mạnh hơn: Tập trung 5 nhóm giải pháp
Mức độ phát triển của ngành logistics nước ta hiện đứng ở vị trí 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Để ngành này đạt tốc độ tăng trưởng 15 - 20% và đến năm 2025 đóng góp 8 - 10% vào GDP, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ cũng như kết cấu hạ tầng logistics.
Nhiều thuận lợi
Phóng viên: Xin ông cho biết tiềm năng dịch vụ logistics của Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Công: Với bờ biển dài khoảng 3.260km trải dài từ Bắc đến Nam, nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.
Xét về mặt kinh tế - xã hội, chính sách nhất quán của Việt Nam về mở cửa thương mại và đầu tư đã tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia.
Các xu thế phát triển hiện tại và tương lai trong nền kinh tế toàn cầu sẽ có tác động lớn giúp năng lực cạnh tranh của nước ta ngày càng mạnh. Việc tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển thành một trung tâm sản xuất xuất khẩu.
Tiềm năng này đã được phát huy như thế nào, thưa ông?
Có thể nói sau 30 năm, đến nay ngành dịch vụ logistics nước ta đã qua giai đoạn đầu của sự phát triển. Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam là 16 - 20%.
Tuy nhiên, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21% GDP, còn với các nước phát triển chỉ khoảng 10 - 14%, như Singapore là 9%. Tỷ lệ thuê ngoài của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics còn thấp, chỉ khoảng từ 30 - 35%, trong khi đó của Nhật Bản là 84%, Trung Quốc đạt 63,3%.
Các nhóm giải pháp
Theo ông, đâu là những trở ngại chính khiến dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa phát triển?
Xét ở góc độ về kết nối hạ tầng thì bất cập hiện nay là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển.
Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn (ICD), trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics nước ta hiện vẫn cao.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin tại các cảng biển, cảng sông, ga đường sắt và các ICD còn lạc hậu. Đặc biệt tại các cửa ngõ quốc tế của Việt Nam chưa có EDI (trao đổi dữ liệu điện tử) để kết nối quốc tế.
Các văn bản pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics bước đầu tương đối đầy đủ và đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn chồng chéo.
Về doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics, nhìn chung, người sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng Việt Nam đến tay người tiêu dùng cuối cùng, cũng như những lợi ích tiềm năng làm gia tăng giá trị hàng hóa, dịch vụ do việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng mang lại.
Logistics là một ngành xuyên suốt, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan còn có nhiều bất cập, đòi hỏi việc thành lập một cơ quan đầu mối để thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.
Theo ông, cần có giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển?
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Trong đó, mục tiêu đầu tiên là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%.
Thứ hai, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước.
Thứ ba, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ tư, doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa.
Thứ năm, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông!