Dịch vụ logistics trước thách thức hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, dịch vụ giao nhận kho vận (logistics) đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho ngành logistics còn chưa hoàn thiện của Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công an), mặc dù có vai trò quan trọng trong chuỗi cung toàn cầu, nhưng nhìn chung mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn tương đối thấp.
Kể từ cuối năm 2006, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ mới, kéo theo nhu cầu về sử dụng các dịch vụ logistics. 10 năm sau - năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 350,74 tỷ USD tăng 315%.
Tuy nhiên, số lượng DN cung cấp dịch vụ logistics vẫn khiêm tốn, chỉ vào khoảng 1.300-1.500 DN, với mức độ đóng góp giá trị cho nền kinh tế của ngành chỉ chiếm khoảng 2-3% GDP. Ngoài ra, tỷ lệ thuê ngoài của ngành chưa cao, thường xuyên diễn ra tình trạng DN xuất nhập khẩu, thương mại tự thực hiện các dịch vụ logistics, làm giảm lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.
PGS,TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vai trò của logistics hiện nay không chỉ là một ngành dịch vụ đơn thuần, mà phải định hướng là một yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường quốc tế.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh, các DN phải xem áp lực hội nhập là cơ hội để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics còn non yếu. Hiện nay, đa số DN logistics có quy mô vừa và nhỏ, phân bố rời rạc, thiếu sự liên kết.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistic Việt Nam dẫn chứng, trung bình vốn điều lệ của các DN logistics chỉ vào khoảng 4-6 tỷ đồng, một con số quá thấp cho ngành dịch vụ đòi hòi sự đầu tư bài bản.
Chưa kể, chi phí sử dụng dịch vụ logistics của Việt Nam hiện tại khá cao, chiếm hơn 20% tổng GDP, cao gấp 3 lần Singapore, cao gần gấp đối so với con số trung bình 9% - 15% của nhóm các nước phát triển. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 60% tổng chi phí logistics.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành logistics nói riêng và các DN logistics nói chung. Các cấp ngành liên tục báo cáo tình hình cũng như định hướng và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho DN logistics.
Gần đây, ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định 200/QĐ-TTg, được các DN tin tưởng sẽ tạo động lực phát triển cho ngành.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào kinh tế cả nước đạt 8%-10% GDP, tốc độ tăng trưởng đạt 15%-20%, chi phí sử dụng dịch vụ giảm còn 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ hạng 50 trở lên.