Samsung lập liên doanh logistics: Cuộc chiến thị trường nội địa nóng dần
Thành lập liên doanh logistics với Công ty Minh Phương, Samsung không chỉ cho thấy muốn lấn sân sang lĩnh vực mới ở Việt Nam, mà còn có thể khơi mào cho cuộc chiến mới ở thị trường logistics nội địa vốn vẫn đang nằm trong tay của các doanh nghiệp Việt.
Từ điện thoại tới logistics
Với hầu hết người Việt, thương hiệu Samsung chỉ gắn liền với những chiếc điện thoại, TV và máy giặt. Tập đoàn này đã đầu tư tới gần 20 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Việt Nam. Ít người biết rằng logistics cũng là lĩnh vực mà Samsung đang từng bước, từng bước tiến sâu vào thị trường này.
Thực tế, bắt tay với Minh Phương là bước đi thứ hai của Samsung trên thị trường logistics Việt Nam, vì trước đó tập đoàn này đã thành lập một liên doanh với công ty Cổ phần Logistics Hàng Không (ALS) để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài, một trong hai sân bay đón nhận lượng lưu chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam (cùng với sân bay Tân Sơn Nhất).
Có thể hiểu rằng tham gia vào việc quản lý ga hàng hóa tại Nội Bài sẽ giúp cho Samsung đảm bảo được thời hạn giao hàng, sự thông suốt trong chuỗi cung ứng và giảm chi phí, vì Nội Bài chính là cửa ngõ xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng điện tử của Samsung từ Việt Nam ra nước ngoài, do tập đoàn này đang có hai tổ hợp sản xuất lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Nhưng khi Samsung bắt tay với Minh Phương, câu chuyện lại rẽ sang hướng khác. Hiện Minh Phương đang là một trong những trong doanh nghiệp (DN) vận tải đường bộ lớn nhất ở Việt Nam.
Bà chủ của công ty này, đã từng được hãng tin Bloomberg của Mỹ ca ngợi là “nữ hoàng logistics” của Việt Nam. Để lấn sân vào thị trường logistics nội địa mà vận tải đường bộ chiếm tới 65% thị phần ở Việt Nam, có lẽ Samsung không có cách đi nào nhanh hơn là liên doanh với Minh Phương.
Sức nóng đang tăng
Ở bất cứ một nền kinh tế nào, logistics luôn chiếm một vị trí quan trọng. Giống như những mạch máu lưu chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng. Ở Việt Nam, sự phát triển của nền kinh tế đã kéo theo quy mô của thị trường logistics ngày càng mở rộng.
Theo ước tính của Bộ Công thương, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD mỗi năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Chính vì quy mô thị trường ngày càng mở rộng như vậy, nhiều DN nước ngoài đã mở rộng hoạt độngt tại Việt Nam từ khá lâu như DHL Sypply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, và Kerry Logistics.
Ở phân khúc vận tải biển và vận tải hàng không kết nối Việt Nam với các thị trường quốc tế, hầu hết miếng bánh thị phần đều nằm trong tay các DN ngoại. Nhưng ở thị trường logistics nội địa, có vẻ nhưng các DN nội vẫn chiếm thế thượng phong.
Thống kê của Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn nước ngoài.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam, thừa nhận rằng một số nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường logistics nội địa, nhưng lại không đồng tình với ý kiến con số 75% thị phần dịch vụ logistics nằm trong tay DN nước ngoài.
“Hiện nay, phần logistics nội địa, bao gồm dịch vụ vận tải bộ (trucking), vận tải nội địa khác, kho bãi, cảng biển, đại lý hải quan... chủ yếu là do các DN cung cấp dịch vụ Việt Nam thực hiện,” ông Tương cho biết và đưa ra ví dụ rằng nhiều công ty đã thực hiện các dịch vụ logistics tích hợp (3PL) như Transimex Saigon, Gemadept, Tân Cảng Saigon... đã cung cấp dịch vụ ngang ngửa với các công ty xuyên quốc gia đang cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam, cũng khẳng định rằng không phải doanh thu của các DN logistics nước ngoài chiếm trên 80% như mọi người vẫn nói.
Nếu tính những phần dịch vụ mà thực hiện trên đất nước Việt Nam như khai thác cảng, vận tải nội địa, kho bãi,...thì hiện nay các DN trong nước đang chiếm doanh thu lớn.
Tuy nhiên thời gian để các DN trong nước còn tiếp tục chi phối thị trường logistics nội địa đang bị đe dọa trước áp lực từ các DN ngoại. Samsung không chỉ là nhà đầu tư ngoại duy nhất lập liên doanh logistics ở Việt Nam để có được thị phần trong nước.
Trước đó là DHL và Kerry Logistics. Các hãng vận tải của Nhật như Yusen Logistics và Logitem cũng đã có mặt từ lâu.
Tháng 5/2017, báo Hàn Quốc The Korea Economic Daily đưa tin, Tae Kwang Industrial Co. Ltd, một công ty dệt may và hóa chất dầu khí Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn mua lại cổ phần lớn của “ông lớn” trong ngành vận tải biển và logistics là Công ty Cổ phần Gemadept.
Nếu như các DN logistics trong nước vẫn tiếp tục chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng, thì việc mất phần lớn doanh thu vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải câu chuyện xa xôi nữa.