Để Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ đi vào cuộc sống: Lựa chọn phân bố nguồn lực hợp lý
(Tài chính) Những giải pháp hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP và và 02/NQ-CP của Chính phủ được đánh giá là khá toàn diện. Vấn đề còn lại là cách thức thực hiện như thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống.
“Đơn thuốc” đúng
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, hệ thống giải pháp của Nghị quyết 01 và 02 là khá toàn diện, ngoài các biện pháp mang tính định tính còn có những tiêu chí định lượng rõ ràng, tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tài chính, xây dựng, thương mại, đầu tư… Ông Kiêm cho rằng, 2 Nghị quyết đã xác định rất “trúng” vấn đề của DN hiện nay. Tất cả những điều đó nếu được thực hiện tốt và đồng bộ sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường và DN hoạt động, sản xuất.
Theo phân tích của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ của Nghị quyết 01 và 02 năm nay có ba điểm mới so với Nghị quyết năm 2012 của Chính phủ. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đây là điểm khác biệt so với Nghị quyết năm 2012 khi các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán đưa ra cụ thể và Chính phủ chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý. Điều này tạo sự chủ động cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Đối với thị trường vàng, Nghị quyết năm 2013 cũng nhấn mạnh việc khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế. Đây cũng là điểm mới quan trọng trong bối cảnh quản lý thị trường vàng thời gian qua khó khăn khi lượng tích trữ vàng trong dân lớn, gây lãng phí nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.
Trong Nghị quyết năm 2013 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính ngân hàng, hỗ trợ phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán. Bên cạnh các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ còn có các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư...
Tiếp tục hạ lãi suất
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, đưa ra đúng các đơn thuốc là thực hiện được một nửa quá trình “chữa bệnh”, việc còn lại là cách thức thực hiện các giải pháp. Ví dụ như việc phân bổ lại vốn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu cần được thực hiện sao cho triệt để.
Đối với việc phân bổ nguồn lực cần giảm nhanh đầu tư công, chuyển dòng vốn từ những dự án thiếu hiệu quả cho DN nhỏ và vừa, khu vực tư nhân hay vốn đầu tư cho những khu vực ưu tiên như: DN nhỏ và vừa, XK, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn và DN công nghệ cao. Cần chọn và đầu tư nguồn lực vào những DN nào có khả năng tăng sức mua hay phân bổ nguồn lực vào những dự án sử dụng nhiều lao động, khả năng hoàn thành nhanh, tuy vốn ít nhưng đưa vào đúng lúc, đúng chỗ sẽ phát huy hiệu quả nhanh.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, NHNN cần bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ, nhất là lạm phát và nhận biết được các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến lạm phát để đề xuất kịp thời giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo ông Hà, trên cơ sở diễn biến lạm phát thực tế, NHNN có thể xem xét tiếp tục điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm 0,5 - 1% xuống dưới 8% (với điều kiện CPI quý I-2013 tăng tối đa 2%), theo đó giảm lãi suất cho vay nói chung trong những tháng đầu năm 2013 và lãi suất các khoản cho vay trong lĩnh vực ưu tiên còn khoảng 10-12%/năm.
Riêng về thị trường ngoại hối, ông Hà đề nghị NHNN linh hoạt hơn đối với điều hành tỷ giá, dần để tỷ giá biến động theo cung cầu thị trường, tránh tình trạng kỳ vọng tỷ giá chỉ biến động một chiều. “Trong năm 2013 NHNN có thể xem xét điều chỉnh tăng tỷ giá một cách phù hợp, có thể trong biên độ 2-3%, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD để giữ mức chênh lệch lãi suất hấp dẫn giữa VNĐ và USD” - ông Hà đề xuất. Điều này nhằm làm giảm trình trạng găm giữ USD, thu hút lượng ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.