Đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động thoái vốn
(Tài chính) Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN) nên để cho DN chủ động trong việc xin thoái vốn.
Theo các DNNN, vấn đề hiện nay mà DN thường gặp phải chính là thiếu sự chủ động trong việc đầu tư, thoái vốn, nhân sự... Điều này làm cho các doanh nghiệp thiếu đi sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Ông Huỳnh An Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, cho rằng hiện tại DNNN muốn làm gì cũng đều phải xin ý kiến cơ quan chức năng, nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 17 của Dự thảo luật, đầu tư ra bên ngoài và thoái vốn phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản Nhà nước.
Theo ông Trung, về nguyên tắc, khi đầu tư ra bên ngoài dù ít hay nhiều đều phải xin ý kiến là điều không bàn cãi còn việc xin thoái vốn ở DN không hiệu quả nếu phải xin ý kiến sẽ bị chậm và DN có thể mất cơ hội. Vì vậy, Dự án luật nên để cho DN chủ động trong việc xin thoái vốn.
Giao cho cơ quan độc lập giám sát các DNNN
Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Chi Cục trưởng Chi cục Tài chính DN (Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh), cho rằng để tạo thuận lợi cho các DN, tránh tình trạng phải xin ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN cần thiết phải giao cho một cơ quan độc lập giám sát, sau đó công khai thông tin bằng các báo cáo tài chính.
DNNN cũng phải thực hiện kiểm toán như công ty đại chúng và có nghĩa vụ cung cấp thông tin như công ty niêm yết. Qua đó tăng cường sự giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt của toàn xã hội đối với DNNN.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cho biết số DNNN hiện khá lớn vì vậy cần thiết có một cơ quan quản lý các DNNN. “Chỉ cần “đẻ” thêm một cơ quan nhưng sẽ làm nhẹ gánh cho hàng chục cơ quan”, TS. Trần Du Lịch nói.