Để người dân không bị bỏ lại vì quy hoạch treo

Theo Lương Thiện/saigondautu.vn

Khi TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) công bố 180 dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở các quận huyện, hay nói nôm na là xóa quy hoạch treo, người dân nằm trong vùng bị quy hoạch treo rất hồ hởi.

Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão có diện tích 1,22 ha tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 sẽ bi xem xét thu hồi.
Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão có diện tích 1,22 ha tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 sẽ bi xem xét thu hồi.

Cuộc sống của họ sẽ được trở lại bình thường sau bao năm sống trong gò bó, bị hạn chế các quyền của công dân về pháp luật đất đai. Các hộ dân có nhà, đất trong các dự án được xóa treo sẽ được thực hiện phần lớn các quyền về nhà, đất như được chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn, xét cấp phép xây dựng có thời hạn, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường, 180 dự án này đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện từ năm 2015, năm 2016, nhưng đến hết năm 2018 vẫn chưa triển khai, trong đó có 80 dự án thu hồi đất đã được HĐND TPHCM thông qua.

Vậy TPHCM có bao nhiêu dự án bị xem là quy hoạch treo? Sẽ khó có câu trả lời cụ thể, nhưng có thể hiểu khái quát như nhận xét của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, rằng: Theo quy hoạch sử dụng đất của TPHCM do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016 - 2020, TPHCM thực hiện khoảng 4.800 dự án, chia đều cho kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Những dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất 3 năm chưa triển khai sẽ được rà soát, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất. Các dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân: chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển sang mục đích, hình thức sử dụng khác; một số dự án thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn quận trung tâm, không có khả năng thực hiện do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng khó khăn; một số dự án sử dụng vốn ngân sách chưa được ghi vốn thực hiện; dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm triển khai…

Nói chung, dự án đã có quyết định đầu tư hoặc chủ trương quy hoạch mà không thực hiện, nhưng lại không cho người dân thực hiện các quyền lợi hợp pháp về đất đai thì được xem là quy hoạch treo.

Thực ra, thấu hiểu hoàn cảnh cực khổ của người dân sống trong vùng bị quy hoạch treo, chủ trương xóa quy hoạch treo là việc làm thường xuyên trong nỗ lực của TPHCM trong nhiều năm qua. Nhưng phải nói, khởi điểm mạnh mẽ nhất là kể từ khi HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 16/2012, đã chỉ đạo UBND TP thường xuyên tổ chức rà soát và xóa các dự án treo cũng như các đồ án quy hoạch thiếu khả thi.

Nhờ đó, tính tới thời điểm này, TP đã xóa 727 dự án treo, trả lại quyền lợi hợp pháp về nhà đất cho người dân. Nhờ sự “rà đi soát lại”, phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hàng loạt quy hoạch phi lý đã được tháo gỡ. Ngay cả trong văn bản xóa quy hoạch treo 180 dự án vừa được công bố, TP cũng giao UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát các dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thu hồi nếu không triển khai đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xóa bỏ quy hoạch treo không thể gọi là “hoàn thành” một sớm một chiều, vì có sự xung đột giữa quyền lợi của người dân và sự phát triển của TP, bởi có những dự án mà chủ đầu tư đã “bỏ chạy” nhưng quy hoạch vẫn còn đó... Vậy làm thế nào để dung hòa lợi ích của đôi bên?

Mới đây, tại một cuộc họp về quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã đề cập đến việc “thay đổi cách làm”, là trách nhiệm của UBND TP. Nếu một đô thị lớn giao cho một chủ đầu tư thì rất khó nên sẽ tách những dự án bồi thường, dự án phúc lợi xã hội để nhà nước thực hiện, còn những phần dịch vụ sẽ tính toán chia nhỏ để dễ dàng chọn lựa những nhà đầu tư, tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện một dự án lớn.

Mục đích là triển khai các dự án hiệu quả nhất và nhanh nhất: công khai, minh bạch, nhiều nhà đầu tư cùng tham gia. Nếu làm được điều này, TP sẽ rút ngắn khoảng cách từ quy hoạch đến kết quả “bằng xương bằng thịt”, chứ không còn trên giấy.

Thực tế cho thấy trong lĩnh vực bồi thường khi giải phóng mặt bằng, tưởng chừng như rất khó dung hòa nhưng khi đặt ra thành luật hẳn hoi, “đền bù cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, rồi dự án kinh doanh để tự thương lượng, thì tiếng nói giữa nhà đầu tư và người dân đã gần nhau hơn. Với những cách làm mới, hy vọng quyền lợi người dân sống trong vùng bị quy hoạch sẽ giảm thiểu thiệt thòi bởi “thủ phạm” mang tên quy hoạch treo…