Nhà ở xã hội: Nới rộng quy hoạch có "chèn ép" hạ tầng?
Ở các nước có nền kinh tế phát triển cao như châu Âu đến những nước có nền kinh tế mới nổi ở châu Á thì việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội luôn đem đến phúc lợi cho hàng triệu người dân. Không ngoại lệ, ở Việt Nam nhà ở xã hội (NƠXH) cũng là giấc mơ của rất nhiều người thu nhập thấp, nhưng việc tầng chồng tầng có tạo ra sức ép cho hạ tầng, quy hoạch?
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay trong năm 2018, Thủ đô đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 11 triệu mét vuông sàn nhà ở, tập trung chủ yếu là NƠXH, khoảng 430.000m2), nhà ở tái định cư (348.000m2) và nhà ở thương mại (2.145.000m2). Kỳ vọng trong năm nay, người dân có sẽ có nhiều cơ hội chọn nơi an cư lạc nghiệp.
Được biết, trong năm 2017, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới của Hà Nội đạt hơn 11 triệu mét vuông, trong đó, NƠXH đạt 60.688m2, nhà ở tái định cư khoảng 164.640m2, nhà ở thương mại hơn 2,5 triệu mét vuông, nhà do dân tự xây khoảng 8,3 triệu m2. Theo đó, diện tích bình quân đạt 25,6m2/người; phấn đấu đến năm 2020 con số này là 26,3 m2/người.
Cũng mới đây, Chính phủ ban hành lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng) áp dụng với nhiều đối tượng. Trong bối cảnh, nhu cầu NƠXH đang ngày càng bức thiết bởi dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi. Các thành phố lớn hay siêu đô thị điển hình như Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều thiếu hụt nghiêm trọng.
Có một thực tế là từ khi xuất hiện trên thị trường, NƠXH đã đem đến sự sôi động nhất định cho thị trường. Phần lớn hiện nay khách hàng có thu nhập thấp hay trung bình đều có nhu cầu mua nhà, vì thế họ cũng kỳ vọng nhiều hơn các dự án để có cơ hội chọn lựa. Theo đó, việc các doanh nghiệp lớn lấn sân sang thị trường giá rẻ để tăng doanh số, củng cố thị trường là lẽ tất nhiên.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, thị trường tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, NƠXH sẽ tăng thêm cơ hội cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo lắng nếu chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng “nhà chồng nhà”, chỉ giải quyết cung – cầu cho thị trường bất động sản mà bỏ quên bài toán quy hoạch thì sớm hay muộn cũng gây sức ép lên hạ tầng cho đô thị, sẽ còn nhiều những con đường tắc nghẽn.
Điển hình, trục đường Lê Văn Lương từng được kỳ vọng giảm áp lực cho tuyến đường Nguyễn Trãi. Nhưng với sự xuất hiện của một loạt tòa chung cư cao cấp lẫn bình dân đã dần biến khu vực này thành một trong những tuyến đường “trọng điểm ùn tắc”. Nhiều khu vực lân cận từng thông thoáng trước đây như Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân, Trần Duy Hưng... nay cũng ùn tắc, ngập lội vào mùa mưa.
Mới đây trong năm 2017, 2 trong 3 dự án NƠXH gần trung tâm được triển khai mở bán là khu vực Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội). Trong khi đó, đánh giá của Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho thấy, 37 điểm thường xuyên tiềm ẩn xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông là khu vực Nguyễn Khoái – Minh Khai, Lê Văn Lương – Láng Hạ, Tam Trinh – Đền Lừ.
Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch đường vành đai II đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, do chưa được giải phóng mặt bằng, đoạn đường Minh Khai nối cầu Vĩnh Tuy giống như nút cổ chai khiến khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc. Sự “quá tải” chung cư, chủ yếu nằm ở phân khúc bình dân dường như đang khiến các tuyến đường tắc nghẽn trầm trọng vào giờ cao điểm. Theo các chuyên gia này, nếu không có lời giải quy hoạch chi tiết thì trong cuộc chạy đua giữa nhà và đường thì nhà đã “cán đích sớm”.
Xoay quanh câu chuyện NƠXH, chia sẻ trước đó với Reatimes, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: “Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng được loại nhà giá rẻ giống như ở Bình Dương nhưng cần chọn địa điểm cho phù hợp. Ví dụ, có thể chỉ áp dụng các mô hình NƠXH, nhà ở giá rẻ tại các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh thì mới phù hợp thay vì đưa vào nội thành. Thực tế, chúng ta chưa có cơ chế chính sách kiểm soát về NƠXH nên mới có tình trạng lách luật mua bán NƠXH. Mặc dù các hiện tượng như trên chưa nhiều, khó phát hiện, nhưng nếu không có các chính sách chặt chẽ, tình trạng trục lợi NƠXH sẽ gia tăng”.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Câu chuyện quy hoạch một đằng nhưng xây dựng lại một nẻo như thực tiễn vừa qua tại một số khu vực của Hà Nội chính là do tình trạng yếu kém của công tác quản lý. Tình trạng tắc đường tại thủ đô do thiết kế giao thông chưa đồng bộ cộng với lượng phân bố dân cư và độ nén khu đô thị ngày càng lớn. Đây không phải là câu chuyện mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Chúng ta phải hiểu rằng chừng nào các chung cư bất kể là đắt hay rẻ còn mọc lên khi chưa được kiểm soát thì chừng đó hạ tầng giao thông khu vực còn chịu áp lực”.
Tại TP. Hà Nội các dự án NƠXH đang chờ triển khai trong năm nay gồm dự án ở huyện Gia Lâm (gần 300 ha) và huyện Đan Phượng (130 ha). Tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện các dự án ở Quận 7 (20 ha) và Quận 9 (gần 300 ha). Tại Hưng Yên, có một dự án 500 ha ở gần khu đô thị Ecopark. Như vậy, việc ông lớn bất động sản tham gia vào phân khúc này một lần nữa dự báo sự sôi động của thị trường trong thời gian tới.