Để nông nghiệp tái khẳng định sứ mệnh của mình
(Tài chính) Nông nghiệp là nền tảng và có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của nông nghiệp đang là vấn đề đáng lo ngại của các cấp, các ngành và tiêu tốn nhiều giấy mực để đưa nông nghiệp phục hồi và phát triển xứng với vị trí của nó.
Điểm tựa của nền kinh tế
Lịch sử đã minh chứng rằng nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Trong nhiều năm qua, nông nghiệp được xem như là nền tảng, là trục phát triển và liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, nâng cao mức sống của người dân.
Theo đó, nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu ăn trở thành nước đủ ăn và còn vươn ra xuất khẩu với vị trí là nước thứ 3 xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới năm 2013 (sau Ấn Độ và Thái Lan), qua đó góp phần cung cấp một lượng lớn ngoại tệ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào và là thị trường tiêu thụ lớn cho ngành công nghiệp chế biến, tạo điều kiện cho thị trường nội địa phát triển; góp phần cung cấp vốn cho các ngành kinh tế khác…
Nhận định vấn đề này, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá: từ trước tới nay, nông nghiệp vẫn được coi là “tấm đệm” hấp thụ các cú sốc cho nền kinh tế đặc biệt là tại những thời điểm khó khăn nhất.
Vai trò quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận, thậm chí còn cần được nhìn nhận một cách toàn diện và sâu sắc hơn nữa. Cũng như TS. Đặng Kim Sơn từng khẳng định: nông nghiệp là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam, không những thế còn là lối thoát cho nền kinh tế, cứu vớt tăng trưởng, thậm chí có thể trở thành động lực tăng trưởng mới sau khi tái cơ cấu.
Chưa được quan tâm đầu tư đúng mức
Nông nghiệp hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, tốc tốc độ tăng trưởng giảm thấp liên tục qua các giai đoạn: 1996-2000 tăng trưởng ở mức 4,01%, 2001-2005 là 3,83%, 2006-2010 là 3,03%, 2009-2013 chỉ còn 2,9%; kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm đặc biệt là mặt hàng gạo (năm 2013 giảm 17,8% về lượng và 20,4% về trị giá so với năm 2012); đời sống của một bộ phận người lao động sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng rộng hơn.
Theo thống kê, ngành nông nghiệp hiện nay chỉ còn đóng góp khoảng 19% vào GDP cả nước. Việc giảm GDP nông nghiệp trong nền kinh tế được xem là xu hướng tích cực với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều đáng lo ngại là 49% lao động từ nông thôn chỉ tạo ra 19% GDP, trong khi 51% lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ lại làm ra tới 81% GDP.
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, hầu hết các nhân tố tạo nên sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm qua đều giảm, vì vậy tất yếu dẫn tới tăng trưởng giảm sút mà chủ yếu là 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền với nhân tố đất đai nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm.
Thứ hai, về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Quốc hội đã quy định ngân sách nhà nước đầu tư nông nghiệp của 5 năm sau phải tăng gấp đôi nhưng thực tế hiện nay tổng giá trị đầu tư xã hội vào nông nghiệp lại giảm mạnh.
Thứ ba, trong các yếu tố tổng hợp gồm khoa học kĩ thuật, nhân lực và chính sách thì chỉ có khoa học kĩ thuật có tiến bộ còn về nhân lực không có dấu hiệu được cải thiện nhiều và cải cách thể chế cũng đang xu hướng chững lại.
Để nông nghiệp phát huy sứ mệnh
Để đưa nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thử thách và khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế, một giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra đó là tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, liên kết sản xuất theo quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển bền vững như hiện nay.
Theo đó, cần phải có một cuộc cách mạng lớn nhằm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất cũ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO thì những phương thức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết… sẽ cản trở sự tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa năm nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông. Trong đó, sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo cầu nối cho các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận với thị trường, từ đó sẽ tạo nguồn động lực hỗ trợ người nông dân áp dụng sản xuất.
Từ đó, các cấp, các ngành cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi, có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch... cũng như quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm cải thiện môi trường, điều kiện đầu tư của nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để giải quyết về vấn đề vốn cho nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp nên được ưu tiên. Cần tạo điều kiện thuận lợi về tín dụng cho những chương trình dự án cụ thể với lãi suất, quy mô và thời hạn hợp lý, phù hợp với đặc thù quá trình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, cũng như đổi mới cơ chế, thủ tục cho vay để nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.