Để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bền vững trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19


Có thể thấy, đến nay, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế đã không ngừng được hoàn thiện và triển khai có hiệu quả, góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế cũng phát sinh không ít bất cập, hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung theo hướng linh hoạt để khuyến khích đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chuyển biến tích cực trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Điển hình như: Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2016 - 2017, theo đó, Quốc hội giao Chính phủ bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.

Để triển khai Nghị quyết này, ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1584/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 - 2020 cho từng địa phương với mục tiêu đến năm 2015 phải đạt 75,4% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 84,3% dân số tham gia BHYT. Nhằm đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, năm 2016 là 79% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 là 90,7% dân số tham gia BHYT.

Thực hiện các văn bản trên, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành. Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nói chung và của các bộ, ban, ngành, địa phương nói riêng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đã kịp thời được tổ chức triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Quy định về hoạt động của đại lý thu BHYT được ngành BHXH ban hành kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng hệ thống các đại lý thu để phát triển đối tượng tham gia BHYT. Nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi đối với người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã ban hành quy trình quản lý thu BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thực hiện 3 hình thức gồm: Giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí) và giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cụ thể khác để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm đơn giản hóa thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, hướng dẫn lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình… Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng; mở rộng đại lý thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về đóng BHYT…

Nhờ đó, theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHYT đạt khoảng 88,827 triệu người, tăng 0,97% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Tính đến quý I/2022, cả nước có hơn 85,34 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Như vậy, số người tham gia BHYT trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lại giảm 5% so với năm 2021 (tương ứng với giảm 3,49 triệu người). Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện còn khó khăn, một số người dân đã hết thời hạn sử dụng thẻ chưa tham gia lại, hàng triệu học sinh, sinh viên chưa đóng tiền tham gia tiếp...

Người tham gia BHYT được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh ngay từ cơ sở, đồng thời thụ hưởng nhiều quyền lợi mang ý nghĩa an sinh. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 170 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT với tổng chi phí bình quân khoảng 100.000 tỷ đồng/năm...

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, gồm: Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn cao và có diễn biến phức tạp diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, do cơ quan BHXH không xác định được số người làm việc tại các doanh nghiệp này. Ngoài ra, số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ như học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình...

Giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên và thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT cho người lao động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và diêm nghiệp tham gia BHYT theo hộ gia đình. Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tham gia BHYT; có cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng, chống lạm dụng, trục lợi, tạo bình đẳng trong việc khám chữa bệnh BHYT giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT. Thực hiện quy định giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện và theo lộ trình tính đúng, tính đủ, để từng bước đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng, đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế.

Ba là, sửa đổi, bổ sung Luật Khám chữa bệnh và sửa đổi Luật BHYT theo hướng tiếp tục khẳng định việc thực hiện BHYT toàn dân, coi BHYT là một trong những trụ cột an sinh xã hội quan trọng; Nhà nước quản lý BHYT xã hội; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh. Khi chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo quy định, tất yếu người dân sẽ tham gia BHYT nhiều hơn.

Năm là, đổi mới phương thức thanh toán, bảo đảm cân đối thu chi Quỹ BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả, minh bạch đúng quy định.

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư. Chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHYT tại các địa phương, đơn vị.

Bảy là, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, mở rộng phạm vi bao phủ BHYT. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong phát triển đối tượng tham gia BHYT và quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn.

* ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022