Để phát triển nguồn nhân lực số, xây dựng nền kinh tế số
Để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp cùng thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo...
Để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, vẫn còn nhiều việc làm trong thời gian tới, cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các DN. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi về nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức đồng bộ, thường xuyên. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực số, đó là:
Đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số quốc gia với các yếu tố trọng tâm: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ hiện đại, để người dân từng bước thích nghi với xã hội số và kinh tế số; Tăng cường hoàn thiện thể chế, văn bản luật tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nền kinh tế số.
Các doanh nghiệp (DN) xây dựng môi trường lao động chuyên nghiệp, điều kiện làm việc an toàn hiện đại, điều chỉnh các chính sách về thu nhập, phúc lợi một cách phù hợp để kích thích thái độ, khả năng sáng tạo của người lao động trong quá trình lao động sản xuất.
Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo và xây dựng tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận để bảo vệ người lao động. Công tác đào tạo ở DN cần được thực hiện thường xuyên để người lao động có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ.
DN cần cải thiện chính sách nhân sự hợp lý để giữ chân người lao động. Do đó, ngoài duy trì các chế độ phúc lợi tốt, DN cần hình thành hệ thống phân quyền, ủy quyền để các cấp quản lý tự chủ trong công việc.
Xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của nền kỹ thuật số. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kết hợp với các bộ, ngành cụ thể, giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu để dự báo được nhu cầu lao động.
Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo số chú trọng đào tạo tri thức công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lao động sản xuất cho học sinh từ bậc học phổ thông. Các trường cần xây dựng hệ thống học liệu số, thư viện số giúp phát huy khả năng tự học, tiếp cận thông tin tri thức của người học, người cần nghiên cứu. Về phần các trường cũng phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cần tạo mối liên kết, DN hỗ trợ kinh phí, đặt hàng nhân sự, nhà trường đào tạo kiến thức chuyên sâu cho người học trong các lĩnh vực DN có nhu cầu tuyển dụng lao động. Người học nhận thức được yêu cầu của DN, căn cứ năng lực bản thân để lựa chọn ngành nghề, rèn luyện năng lực của bản thân một cách phù hợp.
Đẩy mạnh xây dựng DN số từ đó thúc đẩy sự chuyển dịch nguồn nhân lực số. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số trong hoạt động để phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế.
Xây dựng văn hóa lao động cho nguồn nhân lực số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cho mỗi người trong xã hội khả năng tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác và bổ ích.
Nhiều thông tin mang tính độc hại, những tư tưởng chống phá Nhà nước, thông tin sai sự thật gây mất định hướng trong hành động của mỗi cá nhân. Do đó, cần tăng cường xây dựng môi trường làm việc văn hóa, tạo điều kiện, cơ hội cho nhân lực phát triển, lãnh đạo phải là người nêu gương, mẫu mực trong lời nói và việc làm.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải được thực hiện trong môi trường công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực; tạo ra một môi trường văn hóa, dẫn dắt sự phát triển nguồn nhân lực.
Vì thế, tất cả các lực lượng cùng tham gia phát triển nguồn nhân lực số phải chủ động, tích phát huy được vai trò mình thì mới thực sự mang tới hiệu quả.
Đảng và Nhà nước giữ vai trò định hướng, chỉ đạo, xây dựng cơ chế thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; các tổ chức, DN cần chủ động, linh hoạt trong việc chuyển đổi mô hình, phương thức hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số;
Bản thân mỗi cá nhân phải tự giác học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tạo khả năng làm chủ khoa học công nghệ ứng dụng vào lao động sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.