Để sản xuất an toàn trong đại dịch
Để giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch và hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới, PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống COVID bởi “Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế”.
Chia sẻ trên được PGS., TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đưa ra tại Toạ đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 13/12.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đang chủ động tổ chức phòng, chống dịch như thế nào, đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, thích ứng an toàn với COVID-19.
Doanh nghiệp đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch
Tham gia trực tuyến từ Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch ở nước ta nói chung và ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng, ngoài sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân Thành phố thì có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và nhiều địa phương khác. Nhờ đó, đến nay, dịch ở TP. Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát.
Thực tế, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Các địa phương cũng đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng chống dịch, nâng cao hơn nữa nhận thức, khắc phục tồn tại, hạn chế để sản xuất và phòng chống dịch tốt.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, doanh nghiệp là rất quan trọng, vì vậy Ban Chỉ đạo chống dịch từ cấp huyện cần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, thường xuyên tổ chức diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau (xuất hiện F0, xuất hiện F1) để đánh giá được nguy cơ. Thông qua kiểm tra giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, giúp cho công tác sản xuất được tốt hơn.
Đánh giá về việc triển khai phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh trong sản xuất của các DN tại TP. Hồ Chí Minh, một đại diện khác của Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Lương Mai Anh cho biết, công tác phòng chống dịch tại tại TP. Hồ Chí Minh được chính quyền Thành phố cũng như các ban ngành và bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn rất năng động, chủ động thực hiện.
Theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các doanh nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh đã có những định hướng cũng như UBND thành phố có ngay các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11/2021 về các phương án phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong phòng chống dịch trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Mai Anh cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động trong các phương án phòng chống dịch của mình, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.
Đồng thời phải tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp, tiếp đó cần đưa những quy định này thành nội quy, quy định quy trình của doanh nghiệp để người lao động phải tuân thủ; bên cạnh đó, phải có cơ chế thẩm tra, giám sát, xử phạt đối với người lao động nếu họ không tuân thủ những quy định tại nơi sản xuất về phòng, chống dịch.
Một vấn đề nữa là vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường; khi doanh nghiệp chủ động trong công tác này và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm và tránh việc giấu bệnh và gây lây lan cho doanh nghiệp và cho cộng đồng.
Đối với việc tổ chức trạm ý tế lưu động, bà Nguyễn Mai Anh cho biết, các doanh nghiệp yên tâm hơn khi có trạm y tế tại khu công nghiệp và giảm áp lực cho y tế địa phương. “Tôi thấy cần phải được nhân rộng mô hình trong thời gian tới để chúng ta có thể chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy”, bà Lương Mai Anh nhấn mạnh.
Phát biểu từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá cao giải pháp quan trọng nhất mà Chính phủ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong đợt dịch vừa qua là dồn nguồn vaccine có được của cả nước cho TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nguồn thuốc điều trị cũng được hỗ trợ, đặc biệt là các túi thuốc được ưu tiên cho trung tâm của điểm dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện trong quá trình vừa qua, TP. Hồ Chí Minh luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực, nhân lực, vật lực để chung sức với thành phố.
Sau khi phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh, Thành phố đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. “Đến giờ, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Trong các KCN, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phục hồi sản xuất
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group chia sẻ, ngoài việc tiêm vaccine và ý thức của người dân thì công nghệ đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong đợt chống dịch lần thứ tư. Công nghệ đã hỗ trợ các DN trong việc tự động hóa cũng như vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn.
“Trong giai đoạn phục hồi sản xuất thì yêu cầu đặt ra là các chi phí phải được giảm thiểu nhất, tiết kiệm nhất và để đạt hiệu quả thì công nghệ sẽ đáp ứng yêu cầu đó khi hỗ trợ kết nối, đưa ra báo cáo phân tích thông minh hỗ trợ cho nhà quản trị đưa ra quyết định nhanh nhất, chính xác nhất”, bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất và đã trải nghiệm qua những tháng giãn cách, đã có trả giá và cũng đã nhìn thấy những khó khăn trong quá trình sản xuất khi đợt dịch chưa được tiêm vaccine đầy đủ, do đó, để thực sự có một môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, đưa ra 5 đề xuất:
Đầu tiên, chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế cần có kế hoạch và quyết tâm di dời những nhà máy các đơn vị sản xuất sử dụng nhiều lao động đan xen lẫn vào khu dân cư. Bắt buộc có quy trình mới để xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp phải có những quy trình mang tính chất phòng dịch, có nghĩa là phải thông thoáng.
Thứ hai, phải bổ sung những quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam cũng được hưởng chế độ là ở nơi độc hại.
Thứ ba, cần quan tâm đến đội ngũ bác sĩ tâm lý.
Thứ tư, cần ban hành quy định ngay trong doanh nghiệp, phải có tuyên truyền quy định cụ thể thuốc dùng như thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Đối với chính quyền, phải đánh giá doanh nghiệp qua phòng dịch, đưa ra tiêu chuẩn khen thưởng, hay phạt khi doanh nghiệp có bao nhiêu F0 trong một tháng chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh đóng thuế tốt nhưng nhiều F0 thì cũng không được khen thưởng.
Cuối cùng, quy định người lao động làm việc online ở nhà thì cũng cần phải có những tiêu chuẩn cho lao động online ở nhà. Khi họ gặp vấn đề trong làm việc online ở nhà thì có được hưởng những chế độ như tai nạn lao động hay không. Đó là những điều nhiều lao động quan tâm.
Nhìn nhận về khả năng thích ứng an toàn của các doanh nghiệp thành phố hiện nay, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng: Đây là đợt bùng phát chưa từng có trong tiền lệ, để thích ứng cần phải có thời gian. Bước đầu các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp đã tìm được lối đi của mình.
“Điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ chung sức của lãnh đạo Trung ương và Bộ Y tế, chúng ta có định hướng chiến lược để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, không còn lo lắng trong những trường hợp khi dịch có thể trở lại, hay là chúng ta đã xác định rằng phải sống thích ứng, an toàn với dịch là hướng đi phù hợp với thực tế”, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Về giải pháp, cơ chế giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch và hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới, PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống COVID bởi: “Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Cuối cùng, ông Ngân cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc COVID-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.