Đề xuất 7 nhóm thông tin trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xe cơ giới

Trần Huyền

Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bao gồm 7 nhóm thông tin.

Bộ Công an đề xuất cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bao gồm 7 nhóm thông tin. Ảnh: internet
Bộ Công an đề xuất cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bao gồm 7 nhóm thông tin. Ảnh: internet

Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là một trong những thông tin trong cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công an đề xuất cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bao gồm 7 nhóm thông tin gồm: Thông tin về chủ xe cơ giới; doanh nghiệp bảo hiểm; mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn; thời hạn bảo hiểm, số giấy chứng nhận bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, ngày cấp đơn, nơi cấp đơn, người cấp đơn (nếu có); Thông tin bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thông tin tai nạn, xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký, đăng kiểm liên quan tới xe cơ giới thu thập được thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, thông tin về chủ xe cơ giới phải bao gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có), số định danh của chủ xe cơ giới hoặc số hộ chiếu (đối với chủ xe cơ giới là cá nhân). Thông tin về xe cơ giới phải bao gồm số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy, loại xe, trọng tải (đối với xe ô tô), số chỗ ngồi (đối với xe ô tô), mục đích sử dụng xe (đối với xe ô tô), nhãn hiệu, dung tích, màu sơn, năm sản xuất. Thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm cũng bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng.

Bộ Công an đề xuất, các thông tin nêu trên được trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu bảo hiểm của Bộ Tài chính.

Theo dự thảo Nghị định, các hình thức khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm: Trên mạng internet; Qua cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định; Qua mạng chuyên dùng; Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu; Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

Đối tượng khai thác và sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền; Cá nhân, tổ chức có tài khoản định danh điện tử, tài khoản định danh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng nghiệp vụ của Bộ Công an có quyền khai thác một số thông tin liên quan đến giao thông đường bộ.

Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đặc biệt, cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu do cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng trừ trường hợp được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền đồng ý. Bên cạnh đó, cần thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý dữ liệu về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.