Bộ Tài chính:
Đề xuất chi bồi thường nhân đạo cho nạn nhân tử vong do xe cơ giới gây ra
Để phát huy bản chất nhân đạo của chính sách, Bộ Tài chính đề xuất chi bồi thường nhân đạo cho các nạn nhân tử vong do xe cơ giới gây ra trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn do xe bị mất cắp, chiếm đoạt gây ra.
Hiện nay, kết quả hoạt động của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là quỹ do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng để sử dụng cho các mục đích như tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ nhân đạo, khen thưởng thành tích cho lực lượng công an... Theo quan điểm của Bộ Tài chính, vấn đề không chỉ nằm ở khâu tuyên truyền mà có thể từ chính các doanh nghiệp bảo hiểm.
40% số xe máy đang lưu hành tham gia bảo hiểm
Tại "Báo cáo đánh giá tác động của chính sách xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới" ngày 16/9/2008 cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Sau 10 năm, hiện có 27 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai loại hình bảo hiểm trên.
Trong hơn 10 năm qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trong giai đoạn này đạt khoảng 18.110 tỷ đồng. Trong đó, lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại. Đã có 593.658 vụ tai nạn giao thông trong đó có 70.421 trường hợp tử vong đã được các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết với tổng số tiền bồi thường giai đoạn 2008-2017 khoảng 5.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vấn đề quan tâm là trong khi việc thực hiện chế độ bảo hiểm của chủ xe ôtô khá tốt (khoảng 90% số xe ôtô đang lưu thông tham gia bảo hiểm) thì việc tuân thủ của chủ xe máy vẫn còn thấp (khoảng 40%).
Theo Bộ Tài chính, điều này theo đánh giá bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: công tác kiểm soát, giám sát thực thi, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức... Bộ Tài chính cho rằng, một số doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông tại các địa phương để tuyên truyền chế độ bảo hiểm bắt buộc cho người dân.
Ngoài ra, một nguyên nhân không thể không nhắc tới là hành vi gian lận bảo hiểm diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, dưới nhiều hình thức. Việc gian lận diễn ra tại hầu hết các khâu của chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. "Một số trường hợp còn có sự tiếp tay của nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nên công tác phòng, chống và xác minh hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng gặp nhiều khó khăn," báo cáo nêu lên.
Trong đó, theo báo cáo, hạng mục chi hỗ trợ nhân đạo lớn, chiếm 12% kinh phí đóng quỹ hàng năm tuy nhiên, số lượng các gia đình được hỗ trợ rất ít. Trung bình mỗi năm, quỹ chỉ giải quyết được 5 trường hợp hỗ trợ, cá biệt, có năm (2012), quỹ xe cơ giới thậm chí không chi được trường hợp nào.
Nâng trần đóng góp, tăng chi nhân đạo
Theo Bộ Tài chính, với những vấn đề trên, giải pháp được nêu lên là bỏ quy định giấy chứng nhận bảo hiểm, cho phép bán bảo hiểm thông qua các phương tiện điện tử như internet, mạng viễn thông, ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số.
Bộ Tài chính cũng tính toán quy định linh hoạt hơn về thời hạn bảo hiểm. Thay vì hợp đồng 1 năm hoặc dưới 1 năm như hiện tại, cơ quan soạn thảo đề xuất cho giao kết hợp đồng dài hơn 1 năm với xe môtô, xe gắn máy để thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm đối với các loại xe này.
Riêng với hồ sơ bồi thường, cơ quan chức năng dự định hoàn thiện quy định theo hướng giảm nhẹ gánh nặng cho chủ xe, lái xe và phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, chỉ các yêu cầu bồi thường liên quan đến các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật mới cần phải thu thập các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền (cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra…).
Sự thay đổi này, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình giải quyết bồi thường, kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn khắc phục hậu quả, thiệt hai.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần quy định rõ thời hạn cho từng bước giải quyết bồi thường nhằm tăng cường minh bạch và giám sát công tác bồi thường. Những giải pháp trên theo Bộ Tài chính không có tác động tiêu cực nào tới Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Ngược lại, tất cả tác động mang lại đều là tích cực.
Với quỹ bảo hiểm xe cơ giới, thay vì mức đóng góp 1% doanh thu phí bảo hiểm gốc thực tế thu được như hiện tại, Bộ Tài chính đề xuất phương án mức đóng góp tối đa là 2% doanh thu. Hàng năm, căn cứ tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng, quỹ xe cơ giới thông báo mức thu cụ thể.
Đồng thời, để phát huy bản chất nhân đạo của chính sách, Bộ Tài chính đề xuất chi bồi thường nhân đạo cho các nạn nhân tử vong do xe cơ giới gây ra trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn do xe bị mất cắp, chiếm đoạt gây ra.
Quy định trên, theo Bộ Tài chính có thể làm tăng chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm so với mức đóng góp 1% hiện nay. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chi bồi thường nhân đạo của quỹ sẽ tác động tích cực tới xã hội, qua đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chế độ bảo hiểm bắt buộc, tăng hiệu quả triển khai của doanh nghiệp.