Đề xuất điều chỉnh các quy định về hiệp thương giá
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá. Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nhóm chính sách liên quan đến hiệp thương giá.
Theo Bộ Tài chính, Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
Luật Giá được ban hành thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với các cam kết quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau 9 năm thi hành Luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định. Theo Bộ Tài chính, những diễn biến thay đổi nhanh chóng của tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu cải cách cơ chế quản lý giá… đến thời điểm này, cần thiết phải sửa đổi Luật Giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
Đánh giá về công tác hiệp thương giá thời gian qua, Bộ Tài chính cho rằng, công tác hiệp thương giá đã góp phần khắc phục những khuyết tật của thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ độc quyền, cạnh tranh hạn chế, cả 2 bên mua – bán phụ thuộc lẫn nhau nhưng vẫn còn có bất cập về phạm vi áp dụng và giá trị pháp lý của mức giá hiệp thương.
Tại Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh các quy định hiện hành về phạm vi áp dụng hiệp thương giá chỉ thực hiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp với vai trò trọng tài của Nhà nước. Trên cơ sở đó, quy định rõ hơn tính pháp lý của kết quả hiệp thương và trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức thực hiện.
Căn cứ các nội dung chính sách, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã quy định rõ hơn về phạm vi, nguyên tắc hiệp thương giá. Theo đó, hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm trung gian hỗ trợ các bên thỏa thuận. Việc hiệp thương chỉ thực hiện giữa các đối tượng là doanh nghiệp trong việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng điều kiện hiệp thương giá; các doanh nghiệp đề nghị hiệp thương trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và khi 2 bên đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương.
Như vậy, các trường hợp thực hiện hiệp thương giữa một bên là Nhà nước với một bên là doanh nghiệp sẽ được loại bỏ và thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.
Theo đó, việc tổ chức hiệp thương cũng được điều chỉnh, quy định rõ ràng hơn như sau:
- Khi nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá của cả bên mua, bên bán hàng hóa, dịch vụ; cơ quan hiệp thương rà soát đánh giá để làm rõ hàng hóa, dịch vụ đề nghị hiệp thương. Trường hợp cần thiết yêu cầu các bên có văn bản bổ sung các thông tin về hàng hóa dịch vụ.
- Cơ quan hiệp thương tổ chức hội nghị hiệp thương để bên mua và bên bán thương lượng với nhau về mức giá trên cơ sở hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên. Cơ quan hiệp thương có vai trò trung gian, không được can thiệp vào mức giá thương lượng giữa các bên.
- Khi bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì hội nghị hiệp thương kết thúc. Mức giá hiệp thương chỉ được áp dụng cho đúng vụ việc mua, bán và khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị hiệp thương; mức giá hiệp thương không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác. Các bên chịu trách nhiệm về mức giá hiệp thương, việc tổ chức thực hiện mức giá hiệp thương.
- Trong trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá thì cơ quan hiệp thương lập biên bản để ghi nhận nội dung hội nghị và tiến hành ban hành Quyết định mức giá hiệp thương để 2 bên thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Quyết định giá hiệp thương được thực hiện tương tự như việc ban hành Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Các đơn vị có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu để cơ quan hiệp thương thực hiện định giá theo quy định. Quyết định giá hiệp thương chỉ được áp dụng cho đúng đối tượng đề nghị hiệp thương và không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác.
Việc quy định như trên thể hiện rõ tính chất của biện pháp hiệp thương giá hướng đến đề cao việc thỏa thuận giữa các bên trong đó có vai trò trung gian của cơ quan tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích, đảm bảo giao dịch được diễn ra minh bạch, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, cũng quy định rõ phạm vi áp dụng giá hiệp thương nhằm tránh các trường hợp lợi dụng mức giá hiệp thương để sử dụng cho các mục đích khác, không đúng với yêu cầu hiệp thương và vụ việc mua bán.