Đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công ngay trong tháng 8/2020 nếu không có khả năng giải ngân hết


Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ, phải cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành phải có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn ngay trong tháng 8/2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

Đến tháng 8/2020, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt 21,64% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này so với tháng trước có khá hơn, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân chung về giải ngân vốn đầu tư phát triển.

Tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tài chính ngày 26/8/2020, các bộ, ngành đã báo cáo nhiều nguyên nhân khó khăn, vướng mắc dẫn tới tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020.

Nguyên nhân khách quan là tác động của dịch bệnh Covid-19 do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)…

"Bộ Tài chính luôn cố gắng phối hợp cùng với các dự án để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mặc dù vai trò của Bộ Tài chính là khâu cuối cùng của giải ngân, rút vốn."

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Hoàng Hải

Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như: năng lực của chủ dự án; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư; kéo dài thời gian rút vốn... làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Do không giải ngân được theo kế hoạch, nhiều bộ, ngành xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao. Điển hình như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hoàn trả số vốn lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; Bộ Y tế xin trả lại 500 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trả lại 147 tỷ đồng...

Có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn ngay trong tháng 8/2020

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, năm nay không giải ngân được thì nhà tài trợ cho phép giải ngân sang năm sau với điều kiện nằm trong thời hạn giải ngân của hiệp định vay. Nếu vượt quá thời gian giải ngân của hiệp định vay thì phải làm thủ tục gia hạn. Trong một số trường hợp, vì nhiều lý do, nhà tài trợ sẽ không chấp nhận thì lúc đó sẽ có rủi ro là dự án không còn vốn để thực hiện giải ngân theo tiến độ.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị, đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ, phải cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, các bộ, ngành phải có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn ngay trong tháng 8/2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.

Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký nếu có.

"Bộ Tài chính luôn cố gắng phối hợp cùng với các dự án để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mặc dù vai trò của Bộ Tài chính là khâu cuối cùng của giải ngân, rút vốn." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng xin trả lại vốn đầu tư công, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn sát thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ giải ngân vốn đầu tư.