Đề xuất gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines
Chính phủ trình Quốc hội cho phép gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) với lãi suất 0%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA trong việc duy trì dòng tiền, cải thiện các cân đối tài chính.
Đề xuất cho phép gia hạn 03 lần
Tại phiên họp chiều 25/6 của Quốc hội, trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành hỗ trợ VNA triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng (bao gồm khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và gói tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cố phiếu cho cổ đông hiện hữu) đúng theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.
Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, giúp đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA trên Báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm. Qua đó, cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của VNA đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng để duy trì hạn mức vay vốn hàng năm.
Theo báo cáo của Chính phủ, gói giải pháp trên còn giúp VNA thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản ngay trong năm 2021, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn người lao động; tạo niềm tin cho các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp bảo dưỡng sửa chữa tàu bay để VNA đàm phán giãn hoãn thanh toán, giảm giá tiền thuê. Đồng thời, giúp duy trì hoạt động liên tục cho VNA với vai trò là Hãng hàng không quốc gia đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, không để xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng đất nước.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trước hệ lụy kéo dài và nặng nề từ đại dịch COVID-19, cùng với môi trường kinh doanh tiếp tục biến động và nhiều rủi ro, các yếu tố đầu vào như tỷ giá, giá dầu vẫn ở mức cao dẫn đến trạng thái tài chính năm 2024 của VNA chưa được cải thiện.
Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu Công ty mẹ VNA và hợp nhất vẫn âm lần lượt là -8.237 tỷ đồng và -13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của VNA ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7/2024 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm 2024. Dòng tiền trong năm 2024 của VNA tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên VNA không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm (bao gồm 02 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Hỗ trợ để VNA cơ cấu lại hoạt động
Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA.
Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.
Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA; bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA. Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan liên quan và VNA xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng thể để có hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp; đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện VNA. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành Hàng không, phù hợp với Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Về phía VNA, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục triển khai mạnh hơn các giải pháp nội lực; trước mắt có giải pháp cụ thể đối với tình trạng thiếu tàu bay, bảo đảm năng lực khai thác và khả năng cung ứng dịch vụ hàng không. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại bộ máy để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, đổi mới mô hình kinh doanh, cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, các khoản đầu tư và khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.