Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, lạm phát 2025 trong tầm kiểm soát

Thanh Hằng

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Chính sách tài khóa - tiền tệ phát huy hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, các số liệu mới được Cục Thống kê, Bộ Tài chính, công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ.

PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại Hội thảo.
PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại Hội thảo.

Tăng trưởng GDP quý II/2025 đã đạt mức 7,96% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm về trước.

“Như vậy, có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế; tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, PGS. TS Nguyễn Đào Tùng nhận định.

Theo PGS. TS Nguyễn Đào Tùng, một điểm sáng khác là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt mức hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 538,1 nghìn người, thu nhập của người lao động cũng tăng 10,1% so với cùng giai đoạn của năm 2024.

Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân nói trên trong nửa đầu năm 2025 cho thấy các Nghị quyết số 66/NQ-TW và Nghị quyết số 68/NQ-TW đã ngay lập tức đi vào cuộc sống, củng cố, gia tăng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm cải cách của Đảng, Nhà nước cũng như vào sự cải thiện của môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, công bằng hơn.

Các số liệu cũng cho thấy cùng với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, các cân đối vĩ mô vẫn được duy trì ổn định. Lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý là 3,27%, thấp hơn mức mục tiêu 4-4,5% rất nhiều…

Mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, những thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo không thuận lợi. Cùng với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Thứ hai, ở trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới. “Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan”, PGS. TS Nguyễn Đào Tùng chia sẻ.

Dự báo lạm phát cả năm vẫn trong tầm kiểm soát

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 3,27% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2024 là 2,81%. Lạm phát cơ bản cũng ở mức 3,16%.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo lạm phát cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,4%.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo lạm phát cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,4%.

Theo ông Độ, áp lực lạm phát trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng với mức tăng đáng kể 5,73%. Bên cạnh đó, từ quý II năm nay, tỷ giá USD/VND tăng 3,3% so với cùng kỳ dưới tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ, góp phần đẩy giá cả trong nước lên.

Tuy nhiên, diễn biến giá cả thế giới lại có xu hướng tích cực hơn. Giá hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế giảm đã giúp chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam giảm 1,57%. Nhờ đó, áp lực lạm phát từ bên ngoài đã phần nào được hóa giải trong nửa đầu năm 2025.

TS. Nguyễn Đức Độ dự báo trong nửa cuối năm 2025, áp lực lạm phát sẽ không quá lớn do các yếu tố làm tăng và giảm giá cả đan xen. Với giả định CPI tăng 0,27%/tháng như trung bình các năm trước, lạm phát cả năm sẽ ở mức khoảng 3,4%. Trong kịch bản kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh, lạm phát có thể chỉ còn 3%.

Dù lạm phát được kiểm soát, tỷ giá vẫn là yếu tố đáng quan ngại. Trong khi đồng USD suy yếu toàn cầu, tỷ giá USD/VND lại tăng mạnh, trái với xu hướng thông thường. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại xuất khẩu sụt giảm vì chính sách thuế mới của Mỹ, khiến nguồn cung USD vào Việt Nam giảm.

Chính sách tiền tệ của Mỹ giữ lãi suất cao trong thời gian dài khiến chênh lệch lãi suất USD - VND gia tăng, tạo sức ép lên tỷ giá. Thêm vào đó, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này gặp khó khăn, từ đó tác động xấu tới tỷ giá và lạm phát nửa cuối năm.

Ngoài yếu tố tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng là yếu tố cần theo dõi. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%, đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ GDP đạt 8%, khả năng cung tiền sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa, từ đó gây sức ép giá cả.

Ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Đức Độ cũng chỉ ra các yếu tố có thể giúp hạ nhiệt giá cả. Xuất khẩu khó khăn sẽ khiến hàng hóa trong nước dồi dào hơn, qua đó hạn chế tăng giá. Ngoài ra, giá hàng hóa cơ bản toàn cầu đang có xu hướng giảm do tăng trưởng thế giới chậm lại vì các hàng rào thuế quan.

“Chính những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thế giới lại trở thành yếu tố giúp hạn chế đà tăng giá. Khi tiêu dùng, đầu tư và thương mại toàn cầu giảm tốc, nhu cầu hàng hóa giảm theo, khiến giá cả ít có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu rõ.

Điều hành cần linh hoạt để kiểm soát lạm phát

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nửa cuối năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Điều này đòi hỏi công tác điều hành giá phải được thực hiện một cách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả để đảm bảo kiểm soát lạm phát, trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể.

Các chuyên gia cho rằng cần điều hành linh hoạt để kiểm soát lạm phát.
Các chuyên gia cho rằng cần điều hành linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Song song với mục tiêu kiểm soát lạm phát, việc điều hành giá cũng cần tiếp tục đồng hành với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Các chính sách cũng cần hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển, tránh gây thêm áp lực chi phí cho nền kinh tế trong giai đoạn đang hồi phục mạnh.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ công do Nhà nước quản lý vẫn sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh sẽ được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với diễn biến thực tế của chỉ số giá tiêu dùng, nhằm đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển và ổn định.

Trong khi đó, PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế dự báo rằng, lạm phát năm 2025 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 4,0-4,5%, phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đây là mức được đánh giá là an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định và áp lực chi phí vẫn tồn tại.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bao gồm: Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; kiểm soát chi phí đầu vào sản xuất; giữ ổn định tỷ giá và giá xăng dầu; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đồng thời tăng minh bạch thông tin và truyền thông chính sách rõ ràng, nhất quán.