Đề xuất giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ Việt Nam phát triển
Ngày 27/11/2018, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo quốc tế: “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các diễn giả trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm cũng đề xuất giải pháp tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và siêu nhỏ, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong hiện tại và những năm tiếp theo, khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tính riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng. Số DN đăng ký thành lập mới chủ yếu là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số DN đăng ký mới.
Theo phân tích của TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay quy mô DN tư nhân của Việt Nam còn nhỏ (98,6% số DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ; đặc biệt, các DN tư nhân có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%); tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%. So sánh với DN nhà nước là 504 lao động, DN FDI là 312 lao động có thể thấy, quy mô chênh lệch khá lớn, số lượng lao động trong mỗi DN cũng khá nhỏ, trung bình là 18 lao động.
Thực tế cho thấy, khối DN này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…; Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.,TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng khác đã và đang nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và DN siêu nhỏ”. Tính hiệu lực của các văn bản đã chỉ dẫn cho các cơ quan thực thi chính sách trong công tác quản lý của mình đối với các DN, các hộ kinh doanh cá thể trong nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách này vẫn còn tồn tại một số bất cập. Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho DN Việt Nam nói chung, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng. Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể thường xuyên gặp phải.
Thực trạng này khiến các hộ kinh doanh cá thể không được cập nhật những tiến bộ mới trong kinh doanh, mà vẫn làm theo khuynh hướng kinh tế gia đình, phát triển tự nhiên, không có khuynh hướng mở rộng quy mô để tiến lên chuyển sang DN, để hưởng những điều kiện thuận lợi, những ưu đãi của Nhà nước cũng như có cơ hội phát triển trở thành các DN hùng mạnh như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như hỗ trợ khu vực DN này phát triển, trên cơ sở phân tích thực trạng tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư của các DN siêu nhỏ; các chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế hỗ trợ khu vực DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm trong tiếp cận các nguồn lực tài chính phát triển các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể của Trung Quốc… tại Hội thảo các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và DN siêu nhỏ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, với đặc thù của DN Việt Nam hiện nay, cùng với chiến lược phát triển DN nhỏ và vừa, khuyến khích các DN khởi nghiệp, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn đối với khu vực DN vừa và nhỏ ở Việt Nam như sau:
Một là, tiếp tục áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi hơn nữa đối với DN nhỏ và vừa.
Hai là, áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp quy mô nhỏ.
Ba là, áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với DN vừa và nhỏ khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh.
Bốn là, đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với DN nhỏ và vừa.
Năm là, các hỗ trợ khác đối với DN như: Áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với DN nhỏ hoặc siêu nhỏ; thay đổi hệ thống kế toán, thuế đơn giản, dễ dàng cho DN nhỏ và siêu nhỏ; ưu đãi về việc đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với DN nhỏ và vừa…